Ngân sách quốc gia sẽ như thế nào khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nguồn thu sẽ giảm đáng kể do thực hiện lộ trình giảm thuế? Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn về những tác động của các FTA và giải pháp đảm bảo nguồn thu, cân đối ngân sách trong năm tới.
Quyết liệt thu nợ đọng, nợ thuế để cân đối
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
* PV: Thưa Thứ trưởng, gần đây tình hình thu chi ngân sách mất cân đối, thậm chí có người còn lo ngại đồng tiền Việt Nam có thể bị mất giá nặng… Thực hư của vấn đề này như thế nào?
- Thứ trưởng Bộ Tài chính ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN: Trước hết, tôi khẳng định rằng đến thời điểm hiện nay, có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay là khá, khoảng 6,5% - 6,6%, và thu ngân sách từ cơ sở kinh doanh trong điều kiện lạm phát thấp, thuế nội địa tăng rất khá, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đều tăng. Các sắc thuế cơ bản tăng khoảng 15% - 16% so với cùng kỳ. Do vậy, ngân sách năm nay sẽ đạt và vượt dự toán. Trong đó, ngân sách địa phương tăng, thuế nội địa tăng, vượt 47.000 tỷ đồng. Do ngân sách Trung ương lớn nhất, hưởng 100% thu từ dầu khí, dầu thô nhưng giá dầu thô tính dự toán là 100USD/thùng, trên thực tế chỉ thu được 55USD/thùng, nên giảm thu từ dầu và khí là trên 46.000 tỷ đồng. Các khoản tăng ngân sách Trung ương bù được một phần, còn hụt 30.000 tỷ đồng. Đây là cái khó nhưng chỉ khó của ngân sách Trung ương chứ không phải là của toàn quốc, vì ngân sách các địa phương đều vượt, tổng vượt đến 47.000 tỷ đồng.
* Như vậy, chúng ta vẫn thiếu hụt ngân sách?
- Cái khó của ngân sách Trung ương đã được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giải quyết. Theo đó, phải tập trung vào 2 việc sau đây: Thứ nhất phải cố gắng xử lý nợ đọng. Hiện nay số nợ đọng là 76.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 34.000 tỷ đồng. Đây là nguồn giải quyết để bù vào 30.000 tỷ đồng thiếu hụt của Trung ương. Xét về kỹ thuật thì Trung ương được 1/2 số tiền thu đó là 17.000 tỷ đồng, có nghĩa vẫn còn thiếu. Do vậy, vấn đề trọng tâm thứ hai là phải kiểm tra nợ đọng, tăng thanh tra, kiểm tra. Hiện chúng tôi đang tập trung thu phần đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, dự kiến thu được thêm khoảng 8.000 tỷ đồng cho ngân sách. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ tăng thu thêm khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng nữa từ các nguồn khác. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tập trung kiểm tra nghĩa vụ nợ, nộp thuế, nộp sau thuế, cổ tức của nhà nước ở các doanh nghiệp... Như vậy, với các giải pháp này sẽ đảm bảo được nhiệm vụ thu, cố gắng phấn đấu ở mức cao nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cái khó năm nay chỉ nằm ở ngân sách Trung ương, chứ không phải khó của ngân sách toàn quốc, do vậy chúng ta chỉ tập trung giải quyết khó của ngân sách Trung ương để đảm bảo ngân sách toàn quốc.
* Trước tình hình khó khăn của ngân sách Trung ương, nhiều địa phương vẫn lập dự án xây dựng khu hành chính ngàn tỷ đồng, nhiều tượng đài trăm tỷ đồng; rồi không ít dự án đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát tiền của nhà nước, Bộ Tài chính có giải pháp gì để “cân đối” việc này?
- Những dự án mà ta đang nói vừa rồi chỉ là đề nghị của địa phương thôi, chưa thành hiện thực. Còn việc giảm chi thì đã giảm theo dự toán của Bộ Tài chính. Những dự án đầu tư nào chưa cần thiết sẽ kiến nghị lên Thủ tướng xử lý, trên tinh thần là tiết kiệm chi. Hiện nay trong ngân sách 2015, các bộ phải giữ 10% chi thường xuyên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để chi tiền lương, lập dự phòng ngân sách, bù thu.
Hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: THANH HẢI
Giảm thuế nhập khẩu, có tăng thuế nội địa?
* Theo lộ trình thực thi các FTA, nguồn thu thuế nhập khẩu bị giảm trong thời gian tới, điều đó có làm kéo giảm số thu ngân sách không, có tác động lớn đến GDP không?
- Có ảnh hưởng theo hướng giảm chứ! Đến năm 2017, Việt Nam cam kết miễn giảm thuế 100%, nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Vì hiện nay, thuế nhập khẩu chiếm khoảng 6,5% tổng thu ngân sách. Nếu thực hiện giảm thuế nhập khẩu thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng khoảng 3% - 5% thôi, nhưng sẽ tạo điều kiện phát triển trị trường trong nước.
* Có nghĩa khi hội nhập, thuế nhập khẩu giảm nhưng không tạo áp lực cho số thu ngân sách?
- Chúng tôi vẫn xác định số thuế nhập khẩu bị giảm là một thách thức. Nhưng chúng ta hãy nhìn ở góc độ tích cực là hội nhập có làm giảm số thu từ thuế nhập khẩu nhưng trong nước thị trường sẽ phát triển. Khi kinh tế thị trường phát triển thì sẽ đóng góp cho ngân sách, như vậy nguồn thu từ nội địa tăng trưởng sẽ bù lại phần giảm thuế nhập khẩu.
* Nhiều người lo lắng rằng khi thực hiện các cam kết FTA, để cân đối nguồn thu, Nhà nước sẽ tăng thuế nội địa để bù lại?
- Khi thực thi các FTA, chúng ta không lo nguồn thu thuế bị giảm vì những thách thức lớn đã được tính toán. Bởi như trên đã nói, tỷ trọng thu thuế nhập khẩu chỉ chiếm 6,5% ngân sách thôi. Quan điểm của Bộ Tài chính là không nâng thuế nội địa, mà thậm chí là hạ thuế xuống, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn. Khi doanh nghiệp làm ăn được, số tiền nộp cho ngân sách còn nhiều hơn và như vậy mới là giải pháp phát triển căn cơ.
HÀN NI (thực hiện)