
Tuy nhiên, từ nghị quyết đến hành động là hành trình cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Khi được tiếp sức bằng chính sách đúng đắn, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, trở thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng, trong đó phát triển khu vực tư nhân không thể chỉ dừng lại ở thông điệp chính trị, mà cần các đột phá thể chế cụ thể. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế cao trong dài hạn đều được thúc đẩy bởi doanh nghiệp tư nhân trong nước, có thể là các tập đoàn lớn, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa… nhưng cũng đòi hỏi một nền kinh tế mà ở đó môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, với chính sách từ một số Nghị quyết vừa được ban hành trong thời gian gần đây, nổi bật là Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (NQ 68), đã đề ra nhiều hướng tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, cần thể chế hóa thành văn bản pháp luật, làm sao nêu cụ thể, rõ ràng nhưng lại linh hoạt trong thực thi. Bởi lẽ, việc ban hành chính sách là chưa đủ, mà điều quan trọng là chính sách đó có tạo được cơ chế tiếp cận nguồn lực công bằng và hiệu quả cho doanh nghiệp hay không. “Chính sách không thể chỉ là khẩu hiệu. Tuy nhiên, đột phá phát triển kinh tế tư nhân cần hỗ trợ bằng nguồn lực thực, tránh lặp lại cơ chế xin - cho và tuyệt đối không tạo thêm bộ máy giám sát rườm rà”, ông Thành nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long (NLG) cho rằng, khi NQ 68 được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân như được tiếp thêm năng lượng và niềm tin. Đây là bước tiến đáng kể để các doanh nghiệp tự tin hơn khi làm việc với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, theo bà Hương, 3-4 năm qua, việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản khiến dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đổ vào Việt Nam như kỳ vọng. Trong khi đó, nhiều đối tác quốc tế vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đầu tư dài hạn. “Chúng tôi rất mong chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa, từ đó khơi thông được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khi các nguồn lực được khơi thông, việc tham gia vào các dự án lớn như phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ trở nên khả thi hơn. Nam Long và các đối tác đã sẵn sàng tham gia nếu cơ chế thực thi minh bạch và kịp thời”, bà Hương bày tỏ.
Liên quan đến các chính sách tiếp cận vốn, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, nguồn vốn luôn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt nhiều biến động và chi phí tài chính có xu hướng gia tăng. Việc thiết kế một hệ thống chính sách tài chính linh hoạt, thực chất và đồng bộ là chìa khóa để tiếp sức cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. "ACB hiện đang phục vụ hơn 1 triệu doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá thể - những thành phần nhạy bén nhưng cũng dễ bị tổn thương trước những thay đổi về thị trường và chính sách. Là một ngân hàng tư nhân, chúng tôi thấu hiểu quá trình chuyển dịch của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư, đổi mới, nhưng họ cần thấy rõ sự cụ thể, minh bạch trong chính sách", ông Phát nhấn mạnh.
Theo ông Phát, trong quá trình làm việc với doanh nghiệp, có 4 yếu tố mà doanh nghiệp mong muốn nhất từ hệ thống ngân hàng và chính sách tài chính hiện nay, đó là: giảm chi phí tiếp cận vốn, thủ tục nhanh gọn hơn, số hóa toàn diện và hướng đến chuyển đổi xanh… "Bốn yếu tố này đã được thể hiện trong NQ 68 nên được rất nhiều doanh nghiệp phấn chấn. Kỳ vọng, với những chính sách đột phá từ nghị quyết này, dòng vốn cho các doanh nghiệp tư nhân sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn”, ông Phát nói.