Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Bộ Xây dựng không phải xin lỗi vì Thông tư 16

Một trong nội dung nóng nhất, được dành thời lượng nhiều nhất trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 28-2 là câu hỏi: Thông tư 16 của Bộ Xây dựng về cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán liệu có được ban hành trái luật và người ký thông tư này có cần thiết phải xin lỗi dân hay không? Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, thông tư này đúng luật. Văn bản này được ban hành đúng quy định, theo thẩm quyền và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, theo thông lệ trong nước và quốc tế. Vì thế không có chuyện phải xin lỗi. Đây là vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay. Thực tế, vừa qua có nhiều hộ dân ở tòa nhà Keangnam (Hà Nội) kiện chủ đầu tư ra tòa về việc mua căn hộ bị thiếu diện tích. Khi đó chủ đầu tư đưa ra các văn bản, trong đó có Thông tư 16 của Bộ Xây dựng, từ đó đơn kiện bị bác.

Thứ trưởng giải thích, Luật Nhà ở 2005 đến thời điểm này vẫn còn có hiệu lực, trong đó có Điều 153, Chính phủ giao quy định chi tiết toàn bộ những vấn đề quy định trong luật mà chưa được chi tiết hóa. Trong Nghị định 71 của Chính phủ có quy định nội dung hình thức về hợp đồng nhà ở, trong đó có loại hình chung cư. Việc ban hành Nghị định 71 để thực hiện hướng dẫn khoản 2 Điều 93 Luật Nhà ở. Chính phủ quy định các bên tham gia hợp đồng phải ghi rõ một số nội dung như diện tích thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, kinh phí bảo trì 2% và cách tính diện tích căn hộ mua bán. Vì vậy, quá trình ra Thông tư 16 là tuân thủ theo quy định được nêu trong luật đang có hiệu lực. Bộ Xây dựng ban hành đúng với trách nhiệm, thẩm quyền được giao.

Ông Nguyễn Trần Nam cũng đề cập đến tính hợp lý của việc hướng dẫn 2 cách tính được căn cứ vào thực tiễn, thông lệ trong nước và quốc tế. Trước thời điểm 1994 chưa có giao dịch mua bán, nhưng từ 2004 - 2005 Luật Nhà ở ra đời, một số doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch mua bán. Tất cả các hợp đồng giai đoạn này đều tính diện tích từ tim tường. Nhiều doanh nghiệp xây dựng như HUD, UDIC, VINACONEX đều tính diện tích như vậy mà không xảy ra khiếu kiện. Sang giai đoạn 2005 - 2010 cũng không có hướng dẫn cách tính diện tích quy định như thế nào. Các bên quy định tính trong hợp đồng theo nhiều cách, mà khi tòa nhà Keangnam quy định hợp đồng tính theo phủ bì nên đã xảy ra tranh chấp. Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cách tính sàn chung cư, hoặc theo nguyên tắc thông thủy, hoặc theo tim tường để chủ đầu tư và người dân lựa chọn, thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên việc tính này cũng không ảnh hưởng đến quy định đâu là sở hữu chung, đâu là sở hữu riêng. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận, xoay quanh chuyện này, việc tuyên truyền, phổ biến giải thích của Bộ Xây dựng chưa làm tốt. Không loại trừ trong quá trình thực thi pháp luật cũng có doanh nghiệp thực hiện không minh bạch, không tuân theo những hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan nhà nước. Khi đó văn bản nào trái với Nghị định 71, Thông tư 16 thì phải hủy, thỏa thuận với nhau hoặc ra tòa.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục