Thủ tục hành chính: Khoảng trống kiểm tra, kiểm soát

Trên giảm, dưới tăng
Thủ tục hành chính: Khoảng trống kiểm tra, kiểm soát

Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ đầu năm đến nay, chỉ giảm 5 thủ tục hành chính (TTHC) và không phát sinh thêm TTHC nào cho cả 3 cấp cơ quan hành chính Nhà nước là UBND TP, UBND quận huyện và UBND phường - xã - thị trấn. Tuy nhiên, thực tế số TTHC phát sinh tăng ở các cấp hành chính hiện nay là không thể kiểm soát.

Hai anh em ông Phạm Chí Hiếu, Phạm Chí Nhân (ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) và các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất đều phải chứng thực sao y.

Hai anh em ông Phạm Chí Hiếu, Phạm Chí Nhân (ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) và các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất đều phải chứng thực sao y.

Trên giảm, dưới tăng

Theo quy định, khi làm TTHC, người nộp hồ sơ được lựa chọn một trong hai hình thức: Nộp bản sao giấy tờ đã có chứng thực hoặc nộp bản photocopy và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu. Song, theo phản ánh của người dân, bất cứ giấy tờ gì trong bộ hồ sơ từ xin việc làm, xin học cho con đến xin cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận nhà đất, hộ tịch… cơ quan hành chính phường - xã - thị trấn, quận huyện đều yêu cầu người dân phải chứng thực sao y mỗi loại giấy tờ 4 bản, trong đó có 1 bản lưu.

Cụ thể, trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoài mà chúng tôi gặp ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Thủ Đức đã phải chứng thực sao y 15 loại giấy tờ cho bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất. Chị nhẩm tính, chỉ riêng tiền photocopy đã mất hơn 30.000 đồng, chưa kể lệ phí sao y mà UBND phường thu gần 60.000 đồng.

Một trường hợp khác, anh Trần Văn Nam đi ký xác nhận hồ sơ xin việc làm cũng phải chứng thực sao y 6 loại giấy tờ, trong đó chỉ riêng hộ khẩu mất 5 trang. Do ban đầu chưa tìm hiểu kỹ, anh Nam chỉ photocopy 3 bộ. Sau đó, hồ sơ của anh bị trả lại yêu cầu thêm một bộ nữa để UBND phường lưu. Tổng cộng anh Nam mất hơn 70.000 đồng tiền photocopy, lệ phí và phải đi lại, chờ đợi hơn 1 giờ.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND phường 12 (quận 3), lệ phí chứng thực sao y hiện nay quy định 2.000 đồng/trang (không kể lớn nhỏ). Đối với bản lưu, theo quy định 3 tháng là phải hủy vì không còn giá trị. Như vậy thật lãng phí không chỉ cho người dân mà cả cơ quan Nhà nước.

Trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: Quy định cấp phép xây dựng mới hiện nay làm phát sinh thêm 2 TTHC. Cụ thể, công trình có diện tích hơn 200m², cao 3 tầng trở lên phải có bản thiết kế kết cấu; những khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 trước kia chỉ cần báo cho chủ đầu tư biết để thi công, nay phải xin giấy phép xây dựng. Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nhà - đất, lãnh đạo một số quận huyện cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các bộ ngành trung ương đã ban hành gần 10 nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện theo thay đổi của một số luật.

Điều này đã làm tăng thêm từ 3 đến 5 TTHC. Các lĩnh vực khác như tư pháp, hộ tịch, đầu tư, mặc dù được các cơ quan hành chính báo cáo đã giảm cả về TTHC lần thời gian giải quyết, song thực tế nhiều nơi đã tự ý đòi thêm nhiều thủ tục ngoài luồng, người dân phải đi lại bổ sung nhiều lần.

Còn bất hợp lý, phiền hà

Theo UBND TPHCM, trong quý 1-2013 chỉ tiếp nhận 3 phản ánh của người dân qua điện thoại liên quan đến kết quả thực hiện TTHC tại Sở Tư pháp, UBND quận Bình Thạnh và Phú Nhuận. Kết quả trên không xác thực với tình hình phản ánh, kiến nghị của người dân quy định về TTHC.

Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, từ cuối năm 2012 đến nay, đang có một khoảng trống về kiểm soát TTHC. Thực tế, Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND TP nhiều tháng qua thực hiện chưa đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định vì nhân sự, tổ chức ở bộ phận này thời gian qua chưa ổn định. Ở cấp quận huyện cũng vậy, việc kiểm soát TTHC thời gian qua thực hiện chưa sát sao, chưa kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của dân về TTHC; việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý của các TTHC gây phiền hà dân còn yếu…

Nghị định 48/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 có nhiều quy định mới về thực thi kiểm soát TTHC. Trong đó có việc chuyển Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND TP về Sở Tư pháp TP quản lý. Như vậy, sẽ có một khoảng trống về thời gian để bộ phận này củng cố bộ máy, tổ chức, nhân sự đi vào hoạt động theo đúng chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức thực hiện công tác kiểm soát TTHC.

Tổng số TTHC hiện nay: 2.115 (giảm 5 TTHC so với cuối tháng 12-2012). Trong đó: Thực hiện tại các sở ban ngành TP: 1.620 TTHC; thực hiện tại UBND quận huyện: 468 TTHC; thực hiện tại UBND phường - xã - thị trấn: 127 TTHC.

Nguồn: UBND TPHCM

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục