Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tiến bộ; dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5% trong GRDP… Thừa Thiên - Huế quyết tâm đầu tư phát triển theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” nhằm phát huy lợi thế nổi trội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những chỉ tiêu đạt được của Thừa Thiên - Huế như giảm nghèo, độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự… Nhất là thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão với trách nhiệm cao của cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện tốt, nhất là du lịch, dịch vụ, đem lại nguồn lợi cho nhân dân. Song Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số điểm hạn chế mà Thừa Thiên - Huế cần nỗ lực khắc phục như chưa tạo được sự đột phá cần thiết, môi trường đầu tư chỉ ở mức trung bình, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 42/63 tỉnh, thành. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên - Huế cần gần dân, sát dân hơn để giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp; phải tạo nên sự phát triển đột phá mạnh mẽ hơn, đừng để phát triển bình bình mà phải đổi mới quyết liệt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2018, Thừa Thiên - Huế cần có chương trình hành động cụ thể thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ với phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” để áp dụng trên địa bàn. Thừa Thiên - Huế cần phải thảo luận để có cơ chế, chính sách cụ thể trong phát triển, đồng thời phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, chú trọng bảo vệ môi trường để xây dựng địa phương có môi trường sống tuyệt vời và trở thành một nơi đáng sống.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thừa Thiên - Huế tiếp tục có giải pháp đột phá mạnh mẽ về du lịch - dịch vụ, làm đều đặn, có chiều sâu để du khách đến Huế ở lại lâu hơn. Muốn vậy, cần quan tâm đến chất lượng du lịch, phát triển nhiều loại doanh nghiệp và phát huy các ngành nghề truyền thống phục vụ cho du lịch. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị chú trọng giữ gìn di sản văn hóa; cần quản lý tốt quy hoạch và phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhưng không làm mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa.
Thủ tướng giao các bộ, ngành xem xét tham mưu Chính phủ đối với một số dự án đầu tư có tính khả thi, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là việc mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và đầu tư nguồn lực cho phát triển Đại học (ĐH) Huế.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ đã tới thăm và nói chuyện với thầy và trò ĐH Huế - cơ sở đào tạo đại học đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên với bề dày hơn 60 năm phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù số ngành đào tạo khá lớn, 119 ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, nhưng tỷ lệ sinh viên ĐH Huế ra trường và có việc làm chưa cao, nhất là ngành nông lâm, giáo dục thể chất. ĐH Huế phải quan tâm đồng thời giữa tri thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm và phải gắn với thực tiễn, giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động. Cùng với đó phải thực sự đào tạo theo nhu cầu xã hội, cả số lượng, chất lượng, cơ cấu, hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Nhân dịp công tác tại Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hường và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hiệp (đều ở TP Huế)