>> Đà Nẵng: Nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cá cho ngư dân
>> Hà Tĩnh: Công bố nước biển tại 6 bãi tắm, khu du lịch biển ở ngưỡng an toàn
Chiều 1-5, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương ven biển miền Trung bị ảnh hưởng do cá chết bất thường hàng loạt để bàn phương án hỗ trợ ngư dân, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các bộ TN-MT, KH-CN, Công thương, Y tế, Thông tin - Truyền thông… và một số cơ quan, ban ngành trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là sự cố môi trường biển nghiêm trọng nhất ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố tại Hà Tĩnh, Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời, cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hai lần vào các tỉnh miền Trung để chỉ đạo khắc phục sự cố này.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố này. Nếu chuyên gia trong nước không đủ khả năng thì thuê nhà khoa học nước ngoài để phối hợp với các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, tìm nguyên nhân gây ô nhiễm. Thủ tướng khẳng định, dù bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở căn cứ khoa học chặt chẽ, không ai được bao che và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Đây là trách nhiệm của Chính phủ… Chính phủ kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân cả về vật chất và thu mua cá. Nhà nước hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo đời sống cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các địa phương về vụ cá chết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với sức mạnh của Đảng, Nhà nước cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, nhất định Đảng và Nhà nước sẽ xử lý được sự cố môi trường này, đồng thời đưa cuộc sống và các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản của bà con ngư dân trở lại bình thường.
Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương không để sự cố tương tự về môi trường xảy ra. Các ngành, địa phương phải đảm bảo đời sống của người dân, phải nắm bắt nguyện vọng của người dân để đáp ứng kịp thời, không để người dân đói, rơi vào tình cảnh quá khó khăn do sự cố ô nhiễm môi trường này gây ra. Trước hết, phải hỗ trợ gạo cho ngư dân vùng bị ô nhiễm, đảm bảo cuộc sống bình thường cho nhân dân… Thủ tướng cũng biểu dương các ngân hàng thương mại lớn đã không tính lãi suất đối với khoản vay của ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường này trong 6 tháng, để cùng chia sẻ gánh nặng với người dân.
Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, cho biết, tính đến ngày 1-5, tỉnh đã chỉ đạo thu mua hơn 55 tấn hải sản, 68% tàu xa bờ đã ra khơi, đồng thời các bãi biển cũng đã có người tắm trở lại. Ngoài ra, trước mắt tỉnh đã tạm cấp ứng 750 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016 để cấp hỗ trợ các tổ chức và hộ dân nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại trực tiếp do có hải sản chết. Hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu hơn 15kg gạo trong thời gian 45 ngày…
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ ngày 6 đến 18-4-2016, riêng tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã có 82 tấn thủy sản nuôi trồng, khoảng 10 tấn thủy hải sản tự nhiên bị chết không rõ nguyên nhân. Trong đó, các hộ nuôi trồng thủy sản như cá, tôm và ngao đã bị thiệt hại trên 4,71 tỷ đồng.
Tại Quảng Bình, thiệt hại do hải sản chết bất thường bắt đầu từ ngày 10 đến 15-4 đã làm thiệt hại 175 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Trị thiệt hại gần 135 tỷ đồng và ở Thừa Thiên - Huế là 11 tỷ đồng. Riêng lượng thủy sản nuôi trồng bị thiệt hại đã lên đến 54 tỷ đồng, còn hải sản tự nhiên là khoảng 100 tấn. Trong 1 tuần trở lại đây không còn hiện tượng cá chết bất thường. Trên 12.500 tàu thuyền khai thác gần bờ và vùng lộng với 63.000 lao động và gần 2.000 tàu đánh bắt xa bờ, gần 16.000 lao động trực tiếp phải ngừng hoạt động do không bán được hải sản.
Hiện các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại liên quan đến hiện tượng thủy hải sản chết là 416 tỷ đồng và 4.500 tấn gạo.
Trước đó, trong chiều 30-4, Bộ KH-CN cùng với Bộ TN-MT và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, theo đó đã hình thành 3 tổ để nghiên cứu nguyên nhân gây ra thủy hải sản chết bất thường theo 3 hướng là do tự nhiên, do chất độc và do địa chất.
DƯƠNG QUANG