(SGGP).- Hôm nay, 26-5, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Mie, Nhật Bản. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời một số hãng báo chí lớn của Nhật Bản. Trong cuộc trao đổi này, Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề chung. Cũng trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng với Thủ tướng Shinzo Abe trao đổi về những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng, Việt Nam và Nhật Bản còn là bạn bè tin cậy, văn hóa tương đồng, lợi ích tương hợp và kinh tế tương hỗ, cùng đóng góp tích cực vào củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Hiện Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt trên 28 tỷ USD. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, với trên 3.000 dự án và tổng vốn đăng ký 39 tỷ USD.
° Chiều 25-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ADB trong thời gian qua đã có những hỗ trợ Việt Nam bằng việc cung cấp nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam ủng hộ Chiến lược tổng thể của ADB đến năm 2030 nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên giải quyết vấn đề nghèo đói, phát triển không đồng đều, biến đổi khí hậu và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ADB tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập và 20 năm thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, coi đây là sự kiện quan trọng để ADB và Việt Nam nhìn lại các hoạt động và nâng cao vai trò trong khu vực. Thủ tướng nêu rõ sẵn sàng đón tiếp Chủ tịch ADB trở lại thăm Việt Nam, coi đây là sự kiện quan trọng trong quan hệ hai bên.
Giám đốc quốc gia ADB Eric Sidgwick nhấn mạnh, thời gian qua Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, hợp lý, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện năng lực của Chính phủ Việt Nam. ADB đang ngày càng nỗ lực tốt hơn, nhanh hơn và mạnh hơn, sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển, hỗ trợ Việt Nam vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trên các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển khu vực tư nhân, tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô...
LÂM NGUYÊN - MINH TÂM