Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết được “nút thắt giao thông” sẽ góp phần thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng cho vùng ĐBSCL

Chiều 8-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA.
Quang cảnh hội nghị chiều 8-7, tại TP Cần Thơ
Quang cảnh hội nghị chiều 8-7, tại TP Cần Thơ

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, vào tháng 5-2021, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương vùng ĐBSCL. Qua đó khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực để tạo đột phá về hạ tầng giao thông cho khu vực dù ở thời điểm đó cũng chưa hình dung được hết các công việc phải làm, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn vốn cho các dự án.

Trong khi tạo đột phá về hạ tầng giao thông vận tải khu vực ĐBSCL vừa là yêu cầu khách quan của sự phát triển, vừa là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo, của người dân và doanh nghiệp qua nhiều thời kỳ, nhiều năm.

Thi công cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn trên địa phận tỉnh Hậu Giang
Thi công cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn trên địa phận tỉnh Hậu Giang

Theo báo cáo của Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL: Hiện nay, trong khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng, đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác.

Chỉ tính riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (tổng chiều dài 110,87 km tuyến chính và 32,1km tuyến nối) thì tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 18,07 triệu m³.

Trong đó, năm 2023 cần 9,1 triệu m³, năm 2024 cần 9,0 triệu m³. Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng cho dự án, nguồn cát đảm bảo chất lượng chủ yếu tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Để đảm bảo nguồn vật liệu theo tiến độ thi công, ngay từ tháng 6-2022, Bộ GTVT đã chủ động làm việc và có các văn bản gửi tỉnh An Giang, Đồng Tháp đề nghị cung cấp cát cho dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất cung cấp cho dự án 1,1 triệu m³ từ các mỏ đang khai thác, tỉnh Đồng Tháp thống nhất cung cấp 1,89 triệu m³…

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát đắp để hoàn thành công tác đắp nền đường trước tháng 6-2024 (dự án Cần Thơ - Cà Mau), trước tháng 12-2024 (dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư một số dự án như đã nêu trên, Bộ GTVT kiến nghị: Đối với dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT trong việc cân đối nguồn vốn bổ sung để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trong tháng 7-2023.

Đối với dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến thẩm định của Bộ KH-ĐT, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11-7-2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương nỗ lực của lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các bộ, ngành liên quan trong thúc đẩy các dự án, bố trí nguồn vốn, bảo đảm mặt bằng, bảo đảm nguyên vật liệu và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, rất trăn trở về việc triển khai các dự án ODA trên cả nước nói chung và tại ĐBSCL nói riêng.

Vừa qua, Chính phủ đã sửa một số nghị định liên quan và đang tiếp tục rà soát các quy định liên quan, cũng như công tác phối hợp giữa các bộ. Hiện các bộ, ngành chức năng và địa phương đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM – TP Cần Thơ.

Đồng thời, triển khai xây dựng đường vào cảng Cái Cui, nạo vét luồng tàu Định An… và chuẩn bị triển khai một số dự án đường thủy nội địa trọng điểm để khai thác tối đa hệ thống kênh rạch chằng chịt tại ĐBSCL. Từ đó, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, hàng hóa trong khu vực.

"Chủ động tiến công, tự lực, tự cường đi lên, phát huy tinh thần trách nhiệm vì dân, vì nước. Nếu những điểm nghẽn mà không được giải quyết thì rất lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nhân dân rất mong đợi. Nếu chúng ta làm tốt các trục cao tốc sẽ đạt được mục tiêu, mở rộng không gian phát triển mới, có khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ mới. Giải quyết được “nút thắt giao thông” sẽ góp phần vào thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng cho vùng ĐBSCL", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị.

Tin cùng chuyên mục