
Theo mục tiêu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) được đặt ra trong Chỉ thị 58/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì đến năm 2005, nước ta phải đào tạo được 50.000 chuyên viên CNTT các trình độ, trong đó có 25.000 ở trình độ chuyên nghiệp.
Vậy phải định nghĩa thế nào về chuyên viên CNTT và liệu rằng có phải cứ đào tạo ra kỹ sư, cử nhân CNTT hay lập trình viên quốc tế thì chính họ cũng là chuyên viên CNTT?
- Khi khái niệm bị nhầm lẫn

Dường như đang có những sự nhầm lẫn về khái niệm thế nào là chuyên gia CNTT bởi trong khi một cử nhân, kỹ sư CNTT tốt nghiệp ra trường được coi là chuyên gia, thì một người rất giỏi về ứng dụng CNTT qua công việc thực tế song không qua trường lớp không được công nhận là chuyên viên CNTT.
Đáng ngại là trong khi các giới chức có trách nhiệm chưa đưa ra định nghĩa chính xác cho khái niệm này thì có người còn lẫn lộn con số 50.000 chuyên viên CNTT trong mục tiêu của Chỉ thị 58/CT-TW thành 50.000 lập trình viên.
Đương nhiên, có thể thấy cách làm nhanh nhất để phát triển nguồn nhân lực CNTT là tập trung đào tạo cử nhân, kỹ sư CNTT. Theo số liệu thống kê của Hội Tin học TPHCM (năm 2003) thì cả nước đã có tới hơn 80 đại học và cao đẳng tham gia đào tạo cử nhân, kỹ sư CNTT.
Với số lượng đầu ra lớn như vậy mục tiêu 50.000 chuyên viên là trong tầm tay, nhưng chất lượng hẳn là còn phải xem xét. Nói một cách khác, nhân lực CNTT đang thừa mà thiếu và do vậy sẽ là hết sức sai lầm nếu cứ cho rằng tốt nghiệp ngành CNTT mà đi làm việc cho những đơn vị ngoài lĩnh vực CNTT tức là làm việc trái ngành, trái nghề.
Thêm nữa, khi làm việc cho những đơn vị này, về cơ bản các yêu cầu đặt ra thường là không khó và chủ yếu là về ứng dụng. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên CNTT, đó là điều khá xa lạï bởi nhà trường, trong một chừng mực nào đó còn xem thường mặt này trong quy trình đào tạo. Tình trạng chung của giáo dục đại học nước ta lâu nay vẫn hướng về những mục tiêu khoa bảng mà có phần hơi thiếu về những ứng dụng thực tế, đáp ứng trực tiếp những nhu cầu của xã hội.
- Người sử dụng là nguồn nhân lực quan trọng nhất
Nhìn vào thực trạng “thừa mà thiếu” hiện nay, rõ ràng chúng ta cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá lại. Hẳn rằng nguồn nhân lực cho ứng dụng và phổ cập CNTT còn phải lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu về CNTT trọng điểm. Theo TS Đặng Văn Hưng, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử và Tin học Hải Phòng, cần phải phân nguồn nhân lực đó ra làm 3 bộ phận gồm đội ngũ chuyên gia, đội ngũ khai thác - ứng dụng và đội ngũ người sử dụng phần mềm theo tỷ lệ 1/3/6 thì mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Rất tiếc, theo ông, dường như nhà nước mới chỉ quan tâm đến “phần ngọn” tức là đào tạo đội ngũ chuyên gia và cán bộ khai thác nhưng chất lượng còn chưa được như mong muốn và vẫn đang thiếu hụt. Còn việc đào tạo người sử dụng các phần mềm - lực lượng quan trọng nhất và đông đảo nhất - thì hầu như đang bị bỏ trống.
Nhận xét trên có lẽ không có gì mới bởi ngay khi dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp phần mềm còn đang trong quá trình xây dựng vào năm 1998, GS Nguyễn Quang A - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam khi đó -đã đề nghị phải coi việc đào tạo người sử dụng là hết sức quan trọng bởi nếu không có người sử dụng thì phần mềm làm ra dù có tốt đến đâu cũng không bán được cho ai.
Tiếc rằng, từ đó đến nay, dường như vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc tổ chức ra các hội thi tin học, các Olympic tin học sinh viên hay các giải thưởng CNTT như hiện nay rất đáng được hoan nghênh, song đó vẫn chỉ là những cuộc thi mang tính học thuật chứ chưa thực sự là cuộc thi của người sử dụng.
Chắc chắn rằng, những cuộc thi cho cộng đồng người sử dụng CNTT cũng hết sức cần thiết và phải tính đến việc tổ chức nó như thế nào để có được những hiệu quả thiết thực. Bởi, trên thực tế đã có những kỷ lục về soạn thảo văn bản với tốc độ rất nhanh hoặc khai thác các phần mềm ứng dụng đến tất cả các tính năng có thể...
Năm 2005 là thời điểm mà dù muốn hay không các cơ quan chức năng của ngành CNTT sẽ phải tổng kết lại những mục tiêu đã đề ra, điển hình là mục tiêu 500 triệu USD giá trị công nghiệp phần mềm vì mốc thời gian đặt ra cũng đã đến. Ở góc độ xã hội, các cuộc thi về khai thác ứng dụng CNTT chắc chắn sẽ có tác dụng rất tốt với thị trường đào tạo người sử dụng. Đó là điều chúng ta rất nên làm.
TÂN KHOA