Thừa Thiên Huế: Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn

Sáng 1-1-2022, tại di tích Ngọ Môn (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn. 

Đây là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Ban Sóc là lễ trước đây vốn được triều Nguyễn tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, Lễ Ban Sóc được vua Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân. Trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép, vua Minh Mạng định rằng: “Lễ Ban Sóc có khác với ba tiết lớn. Nay đổi định: từ nay về sau làm Lễ Ban Sóc ở trước cửa Ngọ Môn”.

Thừa Thiên Huế: Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn ảnh 1
Thừa Thiên Huế: Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn ảnh 2
Thừa Thiên Huế: Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn ảnh 3 Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn tại Ngọ Môn- Đại nội Huế vào sáng 1-1

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức công bố chương trình lễ hội Festival Huế 2022. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Lễ Ban Sóc phỏng theo nghi lễ triều Nguyễn là lễ hội đầu tiên trong chuỗi hoạt động suốt một năm của Festival Huế 2022. 

Khác với các kỳ trước, Festival Huế 2022 không tập trung các chương trình nghệ thuật diễn ra trong mấy ngày mà tổ chức quanh năm theo chủ đề bốn mùa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách.

Lễ hội Mùa Xuân “Sắc xuân giao hòa” (tháng 1-3), bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian đặc thù, khởi động là Chương trình khai hội - Lễ Ban Sóc; tiếp đến là Lễ Thượng Nêu; Lễ hội Đền Huyền Trân; Lễ tế Xã Tắc; Festival thơ Huế và các hoạt động trong khuôn khổ ngày Thơ Việt Nam. Điểm nhấn là Lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực trong dịp tháng 3, kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên - Huế.

Thừa Thiên Huế: Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn ảnh 4 Đại nội Huế là khu vực tổ chức hàng loạt các hoạt động tại Festival Huế 2022

Lễ hội Mùa Hạ (tháng 4-6), tiêu biểu là tháng cao điểm Festival Huế “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” diễn ra từ 9 đến 13-4-2022 với Chương trình “Đêm hội khai màn” - mở màn cho chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật đã được định vị của Huế, quy tụ các đoàn nghệ thuật đặc sắc của Huế, các đoàn, nhóm nghệ thuật và ca sĩ độc lập có tính đặc thù, có chất lượng nghệ thuật cao ở các vùng văn hóa của Việt Nam và quốc tế; tiếp tục là chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, Lễ hội Áo dài, Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, Lế Tế Giao, Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Đua thuyền, Chương trình Đại lễ Vesak, Tuần lễ Ẩm thực chay, Festival Diều Huế, Ngày Hội Sen Huế, Ngày hội Áo dài; Chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông”... 

Lễ hội mùa Thu (tháng 7-9): Mở đầu là Show ca nhạc “Dấu chân kỷ niệm”; tiếp đến là Ngày hội Hiphop Huế 2022; Lễ hội “Hương xưa làng cổ”; Festival Khoa học; Lễ hội Điện Huệ Nam tháng 7; Lễ hội Truyền Lô; Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương; Lễ hội đèn lồng cố đô; Ngày hội Lân Huế…

Lễ hội “Giai điệu Mùa Đông” (tháng 10-12): Chùm Lễ hội Mùa Đông được khởi đầu là Liên hoan “Giọng ca vàng Bolero Huế”; Liên hoan Xiếc quốc tế; Liên hoan ca Huế; Wellness Festival – Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe Huế; Festival Âm Nhạc – Giai điệu Mùa Đông và khép lại là Chương trình Countdown 2023.

Thừa Thiên Huế: Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn ảnh 5 Lễ hội áo dài là chương trình được kỳ vọng tại Festival Huế 2022

Trong năm 2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tổ chức các hoạt động các triển lãm nghệ thuật, trưng bày, hội thảo khoa học; các giải thi đấu thể thao trong nước, quốc tế. Duy trì các chương trình biểu diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật, ban nhạc, đội kèn... phục vụ người dân và du khách tại các điểm công cộng như nhà Kèn, công viên, phố đi bộ. Tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian tại các địa phương.

Tin cùng chuyên mục