Thừa úng ngập, thiếu nước sạch

Đô thị bị ngập úng, ô nhiễm nặng nề do thoát nước yếu kém trong khi nguồn nước sạch lại đang ngày càng khan hiếm. 
Một số khu vực đô thị, cứ mưa đến là ngập
Một số khu vực đô thị, cứ mưa đến là ngập

Đó là thực trạng rất đáng báo động được đưa ra tại hội thảo về quản lý nước gắn với phát triển bền vững do Bộ Xây dựng và Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức ngày 8-8 tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế.

Những thông tin và con số được đưa ra tại hội thảo này khiến nhiều người không khỏi giật mình. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguồn nước của Việt Nam đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Việc khai thác tập trung quy mô lớn đã dẫn đến mực nước dưới đất liên tục bị hạ thấp ở nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, mực nước đang bị hạ thấp trung bình khoảng 0,3m/năm.Trong đó, tại Hà Nội, mực nước bị hạ thấp tập trung ở khu vực nội thành; TPHCM tập trung ở Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, quận 12; đồng bằng sông Cửu Long tập trung ở TP Bạc Liêu, TP Cà Mau. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước gia tăng và liên quan đến tình trạng sụt lún bề mặt đất.

Cũng theo ông Nghĩa, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu quy hoạch về nguồn nước. Hiện cả nước mới chỉ có 39/63 tỉnh, thành có quy hoạch tài nguyên nước, đặc biệt Hà Nội, TPHCM còn chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Bên cạnh đó, công tác quan trắc, dự báo của các địa phương đều chưa đáp ứng yêu cầu, do trang thiết bị kém, lạc hậu, mạng lưới thưa thớt. 

Trong khi nguồn nước bị cạn kiệt, suy thoái, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có nguy cơ cao thiếu nước sạch thì tình trạng ngập úng tại các đô thị lại đang tăng nhanh. Điển hình là Hà Nội, trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, chỉ cần mưa to trong khoảng thời gian 1 giờ là hàng loạt tuyến phố đã bị ngập nặng và kéo dài nhiều giờ. Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang cho biết, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: gia tăng dân số đô thị, biến đổi khí hậu cực đoan (như: hạn hán, lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn…).

Thừa úng ngập, thiếu nước sạch ảnh 1 Công nhân SAWACO thi công lắp đặt ống nước tại Quận Thủ Đức
 Những thách thức này càng trở nên khó khăn hơn khi nguồn ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý cấp thoát nước hạn chế. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước mới có 41 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 910.000m³/ngày đêm. Với số lượng nhà máy này, mới chỉ có 12% nước thải đô thị được thu gom và xử lý. Kể cả khi 50 nhà máy xử lý nước thải mới đang trong quá trình thiết kế, thi công được hoàn thành thì công suất xử lý nước thải cũng chỉ đạt 3 triệu m³/ngày đêm, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý cũng chỉ nâng lên khoảng 20%. Điều đáng nói là, hầu hết lượng nước thải đang được tiêu thoát theo hình thức tự chảy kết hợp với hệ thống hồ điều hòa chứ không theo mạng lưới truyền tải. 


Để giải quyết bài toán thiếu nước sạch, thừa úng ngập, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên là cần nâng cao năng lực quản lý về quy hoạch đô thị, đảm bảo cho hạ tầng đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần tập trung đổi mới chính sách, xây dựng luật cấp nước để quản lý nguồn tài nước một cách bền vững. Đồng thời, thu hút nguồn lực đầu tư, áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng các mô hình thoát nước đa chức năng như ứng dụng kỹ thuật sinh thái để giải quyết ngập úng. Bộ Xây dựng cũng đưa ra mục tiêu, đến năm 2020, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý sẽ lên đến 20%-25% và đến 2030 tỷ lệ này sẽ đạt 50% trở lên.

Tin cùng chuyên mục