“Thuận thiên” tạo sinh kế cho người dân miền Tây - Bài 4: Thay đổi tư duy, tạo đột phá phát triển

Nghị quyết 120 đã thực sự mang đến một luồng gió mới cho ĐBSCL. Ngoài xác định xoay trục sản xuất nông nghiệp tập trung theo thứ tự ưu tiên là thủy sản, cây ăn trái, lúa, nhiều nguồn lực đã đầu tư cho ĐBSCL ứng phó với các vấn đề do tác động của BĐKH gây ra.
Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã góp phần ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây. Ảnh: QUỐC BÌNH
Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã góp phần ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây. Ảnh: QUỐC BÌNH

“13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 4 vùng sinh thái là Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và các tỉnh duyên hải. Mỗi tiểu vùng sinh thái là một thực thể kinh tế, không gian liên kết giờ không phải giới hạn theo không gian hành chính nữa. Tư duy chúng ta phải vượt ra tầm không gian lớn hơn…”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến sự cần thiết của liên kết vùng ĐBSCL trong thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Miền Tây cần kết nối chặt hơn với TPHCM

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, khi không gian kinh tế mở ra thì quy mô sản xuất theo đó mở ra; từ đó chúng ta sẽ đa dạng ngành nghề, đa hoạt động trên không gian kinh tế đó. Đồng quan điểm, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định, Nghị quyết 120 của Chính phủ rất kịp thời, đã giúp ĐBSCL chủ động thích ứng với thời tiết ngày càng cực đoan hơn.

“Tôi rất tâm đắc về việc chuyển dịch giảm bớt diện tích đất trồng lúa nhiều vụ/năm. Vùng mặn ven biển đã có bước chuyển khá ấn tượng khi đã có khoảng 200.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Mùa mưa thì trồng lúa, hết mưa thì nuôi tôm. Cần chuyển đổi mạnh hơn”, GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ và đề nghị các địa phương cần có chính sách để đẩy nhanh quá trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ĐBSCL cần liên kết chặt hơn nữa với TPHCM để tạo đầu ra thông thoáng hơn cho nông sản.

Nghị quyết 120 đã thực sự mang đến một luồng gió mới cho ĐBSCL. Ngoài xác định xoay trục sản xuất nông nghiệp tập trung theo thứ tự ưu tiên là thủy sản, cây ăn trái, lúa, nhiều nguồn lực đã đầu tư cho ĐBSCL ứng phó với các vấn đề do tác động của BĐKH gây ra. Cụ thể, Chính phủ đã bố trí hơn 10.000 tỷ đồng để xử lý khoảng 120km bờ biển và một số khu vực ven sông bị sạt lở; tập trung cải tạo và đầu tư mới hệ thống thủy lợi cho vùng trồng lúa, vùng nuôi tôm. Nguồn lực đầu tư cho thủy lợi đã kết hợp giữa giải pháp cứng và mềm: chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản. Đã có ít nhất 300.000ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình thủy lợi đã được đầu tư.

Theo Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án vùng ĐBSCL dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82.000 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT... để triển khai các công trình, dự án ở vùng ĐBSCL đạt khoảng 121.000 tỷ đồng… Với số vốn được bố trí như trên, đã và đang góp phần vào hoàn thành một số công trình trọng điểm như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng như: quốc lộ 30, 53, 57; đường băng số 2 sân bay Phú Quốc; cầu Rạch Miễu 2; cầu Mỹ Thuận 2; cầu Đại Ngãi; tuyến Mỹ An - Cao Lãnh; tuyến An Hữu - Cao Lãnh; tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 120, rõ ràng nghị quyết này đã đi sâu và tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống, xã hội người dân vùng ĐBSCL. Ngay tại Sóc Trăng, các cấp chính quyền đến doanh nghiệp và đặc biệt là người dân đã phát huy tính sáng tạo, chủ động để thích ứng với BĐKH. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình, sáng kiến hay đã và đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân ở những vùng dễ bị tác động của BĐKH”.

Nắm bắt “cơ hội vàng”

“ĐBSCL là minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của chính phủ đối với phát triển bền vững. Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với gần 20 triệu người dân trong vùng, mà đối với cả nước như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định về Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Theo bà Carolyn Turk, Nghị quyết 120 đã đạt được đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy để hướng tới mô hình chủ động sống chung với thiên nhiên. Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, tác động của BĐKH như nước biển dâng, thời tiết thay đổi cực đoan, xâm nhập mặn… đã được chủ động ứng phó và dần trở thành “bình thường mới” của ĐBSCL. Chính quyền, người dân đã bắt đầu có chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng. Nhiều nước và nhiều tổ chức trên thế giới đã và đang cam kết đồng hành với ĐBSCL trong quá trình “thuận thiên”.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: “Thuận thiên không có nghĩa là “khoanh tay bó gối”, mà trước tiên phải là hiểu quy luật, tôn trọng quy luật tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Tinh thần của Nghị quyết 120 là xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên, đồng thời là sự xoay trục ưu tiên. Ngày xưa cây lúa số 1, rồi đến cây ăn trái, hoa màu mới tới thủy sản; bây giờ, thủy sản lên số 1, rồi đến cây ăn trái và thứ ba là cây lúa. Điều này phản ánh đúng và cần làm bật tiềm lực kinh tế nông nghiệp của miền Tây”.

Nghị quyết 120 cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quy hoạch. Và gần đây, Chính phủ đã thông qua Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 2 năm 2022). Quy hoạch vùng ĐBSCL lần này là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh thích ứng BĐKH. Chính quyền địa phương và các nhà khoa học có chung nhìn nhận: Nghị quyết 120, Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL cùng với Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là “cơ hội vàng” cho ĐBSCL phát triển bền vững.

ThS NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL:

“Đòn bẩy” để ĐBSCL cất cánh

Trong quy hoạch tích hợp đã nhấn mạnh đến chuyện hình thành các trung tâm đầu mối nông nghiệp (thủy sản, trái cây, lúa và logistics) đặt ở các địa phương như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang… Những trung tâm đầu mối có chức năng nghiên cứu, chế biến, bảo quản, tạo kênh đầu ra nông sản… Các trục cao tốc và các tuyến đường liên kết vùng đã và đang hình thành sẽ kết nối các trung tâm đầu mối nông sản này, là “đòn bẩy” để ĐBSCL cất cánh trong tương lai.


Ông NGUYỄN VĂN TÂM, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang:

Hài hòa 2 nhóm giải pháp công trình và phi công trình

Trước khi xây 2 cống lớn nhất vùng ĐBSCL là Cái Bé - Cái Lớn, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Một phía thì cho rằng từ năm 2018 tới nay, bà con vùng U Minh Thượng, vùng bán đảo Cà Mau đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với BĐKH tốt rồi, nước mặn từ nguy đã thành cơ, là nguồn lợi chứ không còn là mối hại thì xây cống để làm gì? Thực tế, sau khi vận hành cống, đã có tình trạng thiếu nước mặn cục bộ cho một số diện tích nuôi tôm luân canh sau vụ lúa, nhưng đã xử lý cơ bản ổn thỏa. Từ đó cho thấy, giải pháp công trình vẫn là giải pháp căn cơ. Đối với thiên tai, ta phải chủ động cao nhất có thể được. Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì cả, mà phải làm đàng hoàng, quy mô, bền vững và giảm thiểu tác động tới tự nhiên thấp nhất có thể được.

Tin cùng chuyên mục