Thức ăn đường phố: Tiện, nhưng không lợi

Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nhu cầu của người dân, nhất là ở các thành phố lớn. Những suất ăn nhanh, gọn, rẻ chính là lựa chọn hàng đầu của hầu hết người dân lao động, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình... Mặc dù biết những nguy cơ tiềm ẩn khi dùng thức ăn đường phố, nhưng họ vẫn bất chấp để sử dụng. Còn các nhà quản lý thì hầu như bất lực với số lượng hàng quán, thức ăn vỉa hè kém vệ sinh cứ đua nhau mọc lên như “nấm sau mưa”.

Một lần đi ăn, dăm cái tặc lưỡi

Dạo một vòng trên các con đường như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần (quận 3)… có thể thấy những đoạn đường dài chỉ 100m mà có đến hàng chục xe hàng rong bày bán đủ các loại thức ăn, từ mì, nui xào, bột chiên, phá lấu cho đến các loại trà sữa và các thức uống khác. Thức ăn được chế biến và nấu nướng trên xe, đậu ngay trên lòng đường - nơi dày đặc khói bụi từ xe cộ qua lại, bụi từ các công trình xây dựng và bụi do gió mang tới không ngừng phát tán. Không gian chế biến, nấu nướng là như vậy, còn nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào cho thực phẩm thì hoàn toàn phụ thuộc vào… lương tâm, trách nhiệm của người bán.

Thức ăn đường phố bày la liệt mà không được che đậy cẩn thận. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tại khu vực Nhà thờ Đức Bà (quận 1), từ chập tối cho đến đêm khuya, nơi đây luôn tấp nập kẻ bán, người mua thức ăn đường phố. Người bán thì không mang găng tay, không khẩu trang, thức ăn thì không được che đậy, bảo quản, còn vật dụng để chứa thức ăn như hộp thực phẩm, chén, đũa… thì nằm la liệt trên vỉa hè - nơi mọi người liên tục qua lại. Người mua thì “tặc lưỡi” cho qua, không quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ sẵn sàng chọn ngay vỉa hè, nền đường, vừa làm chỗ ngồi vừa làm nơi đặt thức ăn để sử dụng, thậm chí là ngồi ngay trên xe đậu dưới lòng đường để ăn một cách ngon lành. Chị Thu Huyền (làm việc tại quận 3) cho biết lý do mình hay chọn thức ăn vỉa hè vì chủng loại phong phú, đa dạng, nhanh gọn, giá rẻ và khá ngon. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì chị cho rằng: “Cũng biết nó rất khó đảm bảo vệ sinh, nhưng thức ăn đường phố mà, ở đâu cũng bẩn như vậy!”. 

Theo khảo sát của phóng viên, thức ăn đường phố có ở khắp nơi, từ trong ngõ ngách đến các đường lớn; từ cổng trường học đến bến xe, chợ; từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya… Món ăn thì đa dạng, mức giá thì rất phải chăng, chỉ từ 5.000 - 20.000 đồng. Chính vì mức giá rẻ, phù hợp túi tiền của đại đa số người lao động và học sinh, sinh viên nên họ cũng dễ dàng lựa chọn thức ăn đường phố và coi là món ăn vặt khoái khẩu, dù đã được cảnh báo là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đường tắt tới… nghĩa địa

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trong đó, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại chiếm phần lớn và được lây lan chủ yếu bằng con đường thực phẩm ăn uống, như E.coli, tả, thương hàn... Vi khuẩn lưu hành, tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau và thức ăn đường phố được coi là những ổ vi khuẩn nguy hiểm. 

Tác nhân gây mất an toàn thực phẩm thường là vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia chế biến thức ăn, dụng cụ sơ chế, dụng cụ chế biến, nơi kinh doanh bị ô nhiễm bởi ruồi, bụi bẩn, côn trùng; do vận chuyển, bảo quản thức ăn không vệ sinh và do bàn tay của người chế biến gây ô nhiễm thức ăn. Tuy nhiên, người dân lại chưa có cái nhìn đúng về vấn đề này, họ chỉ thấy tiện lợi cho sinh hoạt mua bán, mà không thấy nguy cơ rất cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc thậm chí có người dù biết nhưng vẫn nhắm mắt cho qua để sử dụng.

Theo bác sĩ Nguyễn Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, những chất độc hại từ một số chất phụ gia trong thức ăn nếu dùng liều nhỏ thường xuyên sẽ tích lũy trong cơ thể và gây ra ngộ độc mãn tính. Sử dụng những thức ăn đường phố không đảm bảo sẽ gây ra các bệnh về tiêu hóa, thậm chí ngộ độc cấp. Cũng theo bà Mai, hiện nay nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố vẫn còn những diễn biến phức tạp, cũng như khó kiểm soát một cách bền vững ở tất cả các công đoạn. Để hạn chế tình trạng mất an toàn từ thức ăn đường phố, cần phải có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và quan trọng là tuyên truyền đến người kinh doanh, sản xuất phải có trách nhiệm với khách hàng. Còn người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình. Nếu điều kiện bắt buộc phải sử dụng thức ăn đường phố thì cố gắng lựa chọn các hàng quán mà khi nhìn cảm quan có thể đảm bảo vệ sinh thực phẩm ở mức độ nhất định, có nguồn nước an toàn và không gần các nguồn lây ô nhiễm…

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục