Phát biểu trước các nhà kinh tế ở TP Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) ngày 11-9 (giờ địa phương), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben S.Bernanke cho biết đang tìm cách bổ sung một số biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, trong đó có giảm lãi suất trái phiếu có kỳ hạn thanh toán. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng những biện pháp mà FED xem như là nỗ lực cuối cùng, có thể một lần nữa không chỉ làm nước Mỹ hoảng loạn, mà còn đưa nền kinh tế thế giới bước vào một thời kỳ khó khăn hơn.
Tác động tiêu cực
Chủ tịch FED Ben S. Bernanke cho rằng việc giảm thâm hụt ngân sách quá nhanh có thể làm tổn thương tiến trình phục hồi kinh tế. Sự suy giảm của khu vực nhà đất và biến động thị trường tài chính vẫn tiếp tục là hai lý do then chốt khiến tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ chậm lại. Trong bối cảnh này, FED phải xem xét bổ sung các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, đồng thời sẵn sàng triển khai các công cụ kinh tế này vào thời điểm thích hợp, trong khi đang phải tìm cách giảm lãi suất trái phiếu có kỳ hạn thanh toán dài hạn.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, nhiều nhà kinh tế Mỹ cảnh báo biện pháp này của FED sẽ gây các tác động hoảng loạn trong thị trường tài chính và kinh tế Mỹ. Một là giảm lãi suất sẽ làm tăng lo ngại lạm phát cao khiến vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn để chống lạm phát. Hai là giảm lãi suất trái phiếu kho bạc khiến các nhà đầu tư có nguy cơ bị thiệt hại đổ xô mua hàng hóa và cổ phiếu để kiếm lợi nhuận cao hơn khiến giá hàng hóa tăng cao. Ba là giảm lợi nhuận trái phiếu kho bạc khiến nhu cầu đồng USD giảm và mất giá, đồng thời giá vàng sẽ tăng cao.
Những tác động trên sẽ tạo ra chiến dịch săn lùng vàng và đẩy giá vàng có thể lên đến 2.300 USD/ounce hoặc có thể cao hơn. Không chỉ vàng, giá nhiều kim loại quý khác, hàng nông sản, năng lượng và nhiều hàng hóa khác cũng sẽ tăng vọt.
Đức “đầu hàng” Hy Lạp
Kế hoạch của FED được đưa ra trong bối cảnh sau gần 2 năm cố gắng ngăn chặn khủng hoảng nợ khu vực và bơm nhiều tiền vào các kế hoạch giải cứu, nước Đức dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Hy Lạp vỡ nợ hoặc rời khu vực đồng tiền chung châu Âu. Việc Chính phủ Đức “đầu hàng” trong nỗ lực cứu Hy Lạp khiến đồng EUR sụt xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Ngày 12-9, tại thị trường châu Á, đồng EUR đã có lúc xuống mức 104,92 yên/EUR.
Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Đức đã đưa ra những phương án làm chủ tình hình trong trường hợp Hy Lạp bị phá sản. Mặc dù Chính phủ Hy Lạp vẫn nỗ lực chống lại việc bị phá sản và hứa hẹn thực hiện những điều kiện tiết kiệm, nhưng giới chức Đức đang tranh luận những quyết định hành động, trong đó có việc làm sao để vực dậy các ngân hàng Đức trong trường hợp Hy Lạp không thực hiện được mục tiêu giảm ngân sách và không thể nhận được tiền giải cứu.
Tương lai xám
Kinh tế Mỹ vẫn khó khăn, các nhà hoạch định chính sách vẫn tranh cãi nhau về các chiến lược đưa nước Mỹ thoát suy thoái. Theo CNBC, thời gian họp bàn chính sách tiếp theo của FED dự kiến bắt đầu vào ngày 20-9 đã được kéo dài thêm 1 ngày để thảo luận về các biện pháp chính sách tiền tệ. Nhiều người ở Phố Wall hy vọng FED sẽ đưa ra chương trình QE3 mới, chương trình mua trái phiếu quy mô lớn.
Cùng với gói kế hoạch tạo việc làm trị giá 447 tỷ USD mà Tổng thống Obama vừa công bố, kế hoạch của FED lần này được Washington xem có thể cứu nước Mỹ trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ khiến nền kinh tế Mỹ càng lún sâu vào suy thoái và khi đó, tình hình tại châu Âu sẽ khó khăn hơn nhiều vì không thể phủ nhận thực tế Mỹ vẫn là nền kinh tế đầu tàu.
HẠNH CHI