Thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn. Song, quá trình này diễn ra còn chậm do các yếu tố như chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ (vốn, thu hút đầu tư, trợ cấp) và hệ thống quản lý đất đai.

 Do vậy, trong thực tế đã nảy sinh một số bất cập. Thứ nhất, đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp (DN) với giá rẻ, sau đó DN chuyển đổi thành đô thị mới hay xây khu du lịch và bán lại với giá đắt gấp hàng chục lần. Thứ hai, là rất nhiều người cần đất đầu tư nông nghiệp thì không có đất, mà người có lại không cần. Bằng chứng là ở nhiều nơi, nông dân bỏ hoang đồng ruộng, lên phố làm việc. Nhiều DN, chủ trang trại lại không tập trung được đất đai để phát triển cánh đồng mẫu lớn, dự án nông nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước hiện có gần 80 triệu mảnh ruộng, do 7-8 triệu hộ nông dân sở hữu dưới dạng nhỏ lẻ, manh mún…

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, do chưa hình thành được thị trường đất nông nghiệp, nên lâu nay, hoạt động chuyển nhượng ngầm (bất hợp pháp) vẫn diễn ra, do nhu cầu cần phải tích tụ đất đai để phát triển kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong tờ trình Thủ tướng về xây dựng đề án “Tập trung, tích tụ đất đai và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung”, Bộ TN-MT cho biết, nước ta hiện có 6 mô hình tích tụ ruộng đất, gồm: dồn điền đổi thửa (các hộ dân tự nguyện hoán đổi các thửa cho nhau để giảm số thửa và tăng diện tích thửa đất); DN thuê đất nông nghiệp của nông dân thông qua hợp đồng thuê đất; DN và nông dân cùng liên kết; nông dân liên kết nhau để tập trung đất đai, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác; nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp cho DN hoặc người khác có nhu cầu; nông dân góp vốn, cổ phần vào DN bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Điều đó cho thấy, nhu cầu trao đổi, hợp tác về đất nông nghiệp, tiềm năng của thị trường bất động sản nông nghiệp là rất lớn. 

Trong năm 2019, cả nước có 36.000 trang trại, tăng 500 trang trại so với năm 2018. Số DN nông nghiệp cũng tăng mạnh chưa từng có, với hơn 2.750 DN thành lập mới; nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản nông sản. Năm 2019, có 17 dự án (tổng vốn 20.000 tỷ đồng) đi vào hoạt động. Còn tính từ năm 2018 đến nay, 30 dự án đã hoạt động và đang đầu tư vào nông nghiệp trên 33.000 tỷ đồng. Ở cấp quốc gia, đã có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập tại Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu; 8 khu khác đang làm đề án. Ở cấp địa phương, có 9 vùng nông nghiệp công nghệ cao do chính quyền thành lập, 124 khu do DN đầu tư. 

Tại hội thảo về các thể chế hỗ trợ, thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam ngày 25-2 tại Hà Nội, cũng như các hội thảo về phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp diễn ra trước đó, phần lớn chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản nông nghiệp vẫn chưa thực sự thành hình do vướng mắc về chính sách tích tụ đất đai trong bối cảnh mới. Luật Đất đai chưa “cởi nút” cho đất nông nghiệp. Nếu coi đất nông nghiệp cũng là một dạng bất động sản, Nhà nước có thể thu thuế, và chắc chắn tiếp sức, tạo cơ hội tốt cho DN, chủ trang trại tập trung tích tụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Khi đã coi đất nông nghiệp là bất động sản, giá cả sẽ do thị trường quyết định, DN và nông dân tự thỏa thuận, chắc chắn nông dân cũng đỡ thiệt thòi khi đất nông nghiệp cần chuyển đổi sang phi nông nghiệp (như đô thị mới, du lịch, dịch vụ - thương mại, công nghiệp). 

Theo kế hoạch xây dựng luật trong năm 2020, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013. Đây là thời cơ tốt để chúng ta đưa ra những chính sách có tính đột phá cho đất nông nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục