Thực hành kiến trúc xanh, tại sao không?

Đợi… hướng dẫn
Thực hành kiến trúc xanh, tại sao không?

Kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường đã được nhắc đến nhiều tại TPHCM, như là một trong những lối kiến trúc hiệu quả nhất giúp người dân tiết kiệm năng lượng, làm cho thành phố mát hơn, đẹp hơn và quan trọng hơn nữa, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lối kiến trúc này vẫn chưa được triển khai rộng rãi ở thành phố. Tại sao?

Nhà trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan đẹp, bóng mát, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đợi… hướng dẫn

Trung bình mỗi năm TPHCM có hàng chục ngàn ngôi nhà được xây mới. Tuy nhiên, bao nhiêu trong số này được xây dựng theo lối kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường? Hiện chưa có thống kê chính thức, song theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chắc chắn con số ấy không nhiều bởi làm được theo lối kiến trúc này không dễ. Đặc biệt, khi hầu hết nhà của người dân TPHCM là nhà “ống”, loại nhà rất khó “xoay trở” theo ý mình. Ông Nguyễn Trọng Hòa nói thêm, một công trình kiến trúc xanh đúng nghĩa, cần phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí (xem box) mà nếu không nhờ kiến trúc sư, người dân khó lòng tính toán cho hết được.

Có lẽ vì vậy mà Hội Kiến trúc sư TPHCM đang có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn người dân thực hành kiến trúc xanh trong ngôi nhà của chính mình. Nói về những nội dung chủ yếu trong tài liệu này, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho biết đó sẽ là những hướng dẫn hết sức cụ thể trong việc từng bước áp dụng các tiêu chí xanh vào xây dựng. Ngay cả các vấn đề về tài chính cũng được đặt ra để người dân có thể cân nhắc và tìm phương án tốt nhất cho mình. Trong việc sử dụng nguồn nước chẳng hạn, đối với loại nhà “ống”, các kiến trúc sư sẽ “trình bày” các phương án: đặt bồn thu nước mưa trên mái nhà hoặc làm một bể chứa nước ngầm dưới đất. Nếu đặt bồn trên mái nhà, ưu điểm là chủ nhà không phải tốn nhiều tiền điện bơm nước (khi cần dùng nước để tưới rau hoặc rửa xe…) song lại phải dành một phần không gian trên sân thượng cho bồn nước. Xây bể chứa nước dưới đất, tiết kiệm diện tích hơn nhưng phải tốn tiền điện bơm nước lên tưới cây khi cần… Hoặc như việc phát triển mảng xanh: nên ưu tiên những loại cây phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… của thành phố.

Còn sự tham gia của các sở ngành chức năng ở đây là gì? Trước mắt, theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, các cơ quan chức năng nên có chủ trương khuyến khích người dân áp dụng tiêu chí xanh trong xây dựng. Ông ước tính, với mật độ xây dựng như hiện nay, trung bình có đến gần 50% lượng nước mưa rơi xuống… các mái nhà. Lượng nước này nếu được lưu lại dùng để tưới cây, lau nhà, lau xe… như nói ở trên, trước hết sẽ giúp ngành cấp nước thành phố tiết kiệm được một khoản nước sạch không nhỏ, sau đó chắc chắn sẽ giúp cho ngành thoát nước bớt gánh nặng chống… ngập. PGS-TS Hồ Long Phi đã từng phân tích, chỉ cần một phần nước mưa được lưu lại để sử dụng hoặc chí ít chỉ cần được lưu lại trong bể chứa nước mưa của người dân chừng 1 - 2 giờ sau cơn mưa, chờ lượng nước rơi xuống đường rút bớt, mới thải ra, cũng sẽ giúp thành phố chống ngập hiệu quả. Ngành chức năng có thể cụ thể hóa chủ trương cần khuyến khích này bằng việc lập các thiết kế bể chứa nước mẫu cho người dân, đưa cán bộ xuống tư vấn cho người dân trong việc lắp đặt bể… Nếu có đủ điều kiện, nên có chương trình hỗ trợ một phần kinh phí trong lắp đặt bể cho người dân. “Việc người dân giữ lại một phần nước mưa hoặc áp dụng thêm một số tiêu chí khác về kiến trúc xanh không những có lợi cho người dân mà thành phố cũng hưởng lợi. Vì vậy, việc hỗ trợ tài chính cũng nên cân nhắc”, PGS-TS Hồ Long Phi nói.

Cần nêu gương và luật hóa

Bên cạnh việc khuyến khích, các cơ quan nhà nước nên nêu gương áp dụng ngay một số tiêu chí xanh trong khả năng của mình. Việc nêu gương không chỉ có tác dụng khuyến khích người dân làm theo, mà còn chứng tỏ quyết tâm của thành phố trong việc hướng tới phát triển đô thị xanh. Diện tích các cơ quan công sở của TPHCM không hề nhỏ. Làm hồ chứa nước mưa, phủ kín mảng xanh nhất định sẽ có tác dụng tích cực đối với môi trường thành phố. Để các cơ quan công sở có thể áp dụng tiêu chí xanh trong xây dựng, cần có hành lang pháp lý quy định rõ ràng, bởi đầu tư bằng tiền ngân sách được kiểm soát rất chặt chẽ, đặc biệt liên quan đến các quy định về định mức, chỉ tiêu trong xây dựng. Thế nhưng, không chỉ có các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách cần hành lang pháp lý, mà ngay cả các công trình dùng vốn xã hội hóa cũng cần khuyến khích. Một doanh nhân trong ngành phát triển địa ốc nêu ý kiến, nếu Nhà nước có quy định nhà đầu tư chủ động áp dụng tiêu chuẩn kiến trúc xanh trong xây dựng sẽ được ưu đãi thêm về mật độ xây dựng, chiều cao công trình hoặc được miễn, giảm một số nghĩa vụ tài chính, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư hưởng ứng chủ trương này của thành phố. “Trong một số đồ án quy hoạch của thành phố cũng đã có ưu tiên tăng tầng cao, mật độ xây dựng… cho chủ đầu tư áp dụng tiêu chí kiến trúc xanh trong xây dựng, thế nhưng do chưa được quy định cụ thể nên nhiều nhà đầu tư còn ngại ngần”, doanh nhân này nói.

5 tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam

1. Địa điểm bền vững: Phù hợp quy hoạch, hòa nhập với cảnh quan tự nhiên; bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; phục hồi, nâng cấp môi trường, cảnh quan.

2. Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả: Khai thác và sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên; sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường; sử dụng hợp lý đất đai trong xây dựng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; áp dụng công trình xanh; quản lý hiệu quả trong khai thác, sử dụng công trình kiến trúc, khu đô thị.

3. Chất lượng môi trường trong nhà: Tổ chức không gian trong nhà phù hợp tâm sinh lý, giao tiếp cộng đồng; vỏ bao che phòng chống giảm thiểu tác động của các yếu tố môi trường tự nhiên, nhân tạo; vật liệu nội thất đảm bảo không phát thải khí độc hại và tác động xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý người sử dụng; chất lượng không khí đảm bảo; đảm bảo mức tiếng ồn trong nhà, khu đô thị thấp hơn giới hạn cho phép; giảm thiểu năng lượng sử dụng để chiếu sáng; tiết kiệm năng lượng.

4. Kiến trúc tiên tiến, bản sắc: Giải pháp quy hoạch, kiến trúc tương thích với nhu cầu sống, hướng tới các giá trị văn hóa của xã hội tương lai; bảo tồn, kế thừa, khai thác các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống, đặc trưng văn hóa vùng, miền; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội.

5. Tính xã hội, nhân văn bền vững: Hòa nhập với môi trường nhân văn; đáp ứng các nhu cầu vật chất, văn hóa, tinh thần của cá nhân, cộng đồng, dân tộc; tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; môi trường kinh tế, xã hội, ổn định.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục