
Có thể nói, Nghị định NĐ 115 ra đời được mọi người ví von như là “khoán 10” trao “cơ hội vàng” cho các tổ chức khoa học công nghệ (KH-CN) để ăn nên làm ra. Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng ban đầu, chính những vướng mắc trong việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan quản lý đã tạo ra lực cản khiến nhiều đơn vị KH-CN tỏ ra thờ ơ với quyền lợi và sự tự chủ của mình.
Tiên phong... nên khổ!
Tính đến nay, TPHCM đã có 4/10 đơn vị KH-CN được UBND TP quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo NĐ 115 (chuyển từ công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm). Dù các tổ chức KH-CN mong muốn thực hiện đầy đủ các quyền tự chịu trách nhiệm theo quy định của NĐ 115, nhưng từ khi có quyết định chuyển đổi đến nay họ vẫn còn gặp nhiều ách tắc, khiến nhiều đơn vị lúng túng.
Hai đơn vị Trung tâm Dịch vụ - Phân tích thí nghiệm (Case) và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP (ECC-HCM) được Sở KH-CN chọn thí điểm tiên phong thực hiện chuyển đổi theo NĐ 115. Thực tế cho thấy, hai đơn vị này được đánh giá là đủ lực để cạnh tranh với các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực ở trong nước lẫn nước ngoài. Nhưng khi có được quyết định phê duyệt, chưa hết vui mừng thì trong quá trình thực hiện họ lại gặp nhiều rào cản.

Các đơn vị, tổ chức KH-CN đang cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Ảnh: T.L.
Về chính sách ưu đãi thuế, theo quy định tại khoản 5 Điều 9 NĐ 115, tổ chức KH-CN công lập chuyển sang hoạt động theo hình thức tự trang trải kinh phí khi tiến hành hoạt động kinh doanh được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp sản xuất mới thành lập (NĐ số 24/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Có nghĩa là sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tổ chức KH-CN được hưởng chế độ miễn giảm thuế thu nhập. Tuy nhiên, trong thực tế các tổ chức này chưa được áp dụng chế độ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì không phải là doanh nghiệp mới thành lập mà chỉ chuyển đổi hình thức quản lý.
Cũng vì lý do này mà “Khi nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp mới, Case tiến hành đăng ký miễn giảm thuế tại Cục Thuế TPHCM. Kết quả là trung tâm không được chấp thuận và đành phải chuyển sang nhờ Bộ KH-CN xử lý. Và đến nay vấn đề này vẫn chưa có thông tin gì” - TS Đinh Công Tuấn, Giám đốc Case phân tích.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCM cho biết, khi chuyển sang thực hiện theo NĐ 115, trung tâm hưởng 3 cái được lớn: được phép chi trả mức lương cao, tuyển chọn nguồn nhân lực và tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trung tâm là đơn vị đầu tiên cả nước tiến hành góp vốn đầu tư thành lập hai công ty và đầu tháng 3 tới sẽ chính thức đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, cái mà đơn vị này cần hơn nữa là một cơ chế rõ ràng, cụ thể hơn (bằng văn bản) từ cấp quản lý để các đơn vị dễ dàng hoạt động hơn ở giai đoạn hậu 115. “Có lẽ vì là đơn vị tiên phong nên đôi khi chúng ta cũng phải hứng chịu những cái chưa hoàn chỉnh của một chính sách” - ông Tước tâm sự.
Những điều này cũng giải thích vì sao sau hơn 3 năm thực hiện NĐ 115, chỉ có khoảng 161/659 đơn vị khoa học có đề án chuyển đổi được phê duyệt, 313 đơn vị khác đang xây dựng đề án.
Thiếu đồng bộ
Tại cuộc hội thảo gần đây, nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cấp quản lý khi thực hiện giải quyết quyền lợi cho các đơn vị đã được chuyển đổi. Trường hợp của Trung tâm Ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp vốn trực thuộc Viện Hạt nhân Đà Lạt (nay thuộc Bộ KH-CN) là một điển hình.
Trung tâm này đã nhận được quyết định chuyển đổi theo NĐ 115, nhưng không đăng ký hoạt động kinh doanh được bởi trong quyết định phê duyệt đề án không nói rõ. Hy hữu hơn, có trường hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư không biết công văn 3831 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc cho phép tổ chức KH-CN sau khi chuyển đổi sẽ được đăng ký hoạt động kinh doanh sản xuất. Điều này chứng tỏ việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện NĐ 115 thiếu đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương, vô tình tạo ra nhiều rào cản cho các đơn vị.
Dù đã xác định không thể trông chờ có một chính sách riêng cho từng địa phương mà mỗi nơi phải tự tìm những bước đi thích hợp, vận dụng linh hoạt dựa trên các văn bản hướng dẫn của bộ, vừa làm vừa gỡ nhưng Sở KH-CN TPHCM cũng thừa nhận còn nhiều vướng mắc.
Đó là vấn đề thực hiện nâng lương niên hạn – trước hạn cho viên chức sự nghiệp vẫn còn làm theo cách cũ (theo quy định của Nhà nước) vì đến nay TP vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho tất cả các tổ chức KH-CN công lập đã có quyết định chuyển đổi. Dù giữa Bộ Công an và Bộ KH-CN đã có Thông tư liên tịch số 11/2007/TTL/BCA-BKHCN ngày 27-7-2007 hướng dẫn tổ chức KH-CN công lập mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào VN làm việc, đồng thời cử cán bộ ra nước ngoài hoạt động. Nhưng trong thực tế, công tác này chưa được thực hiện theo văn bản hướng dẫn. Lý do nằm ở chỗ, UBND TP chỉ ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành cho phép cán bộ công chức, thuộc quyền đi nước ngoài về việc riêng. Các trường hợp khác phải trình Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định (theo QĐ số 2573/QĐ-UBND ngày 17-6-2008).
Trở ngại tiếp theo là, dù đã có các văn bản hướng dẫn về những thủ tục cần thiết cho các tổ chức KH-CN đã phê duyệt chuyển đổi để được cấp giấy phép kinh doanh (văn bản số 3831/BKH-PTDN ngày 4-6-2007 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức KH-CN công lập) nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì loại hình này còn “quá mới, chưa có tiền lệ”.
Theo Sở KH-CN, cần có sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các tổ chức KH-CN đã chuyển đổi theo NĐ 115. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng TP như Công an TP, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế để giúp các tổ chức KH-CN công lập thực hiện đúng những điều khoản đã được pháp luật quy định cũng như được hưởng đầy đủ các quyền lợi của tổ chức sau chuyển đổi.
Thanh Hùng