Nghị định 71/CP được bổ sung, sửa đổi từ Nghị định 34/CP, Thông tư 36 có nội dung quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 10-11-2012. Với mức tiền phạt lên đến 10 triệu đồng/ô tô, 1 triệu đồng/xe gắn máy khiến nhiều người dân hoang mang. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an TPHCM.
* PV: Ngày 10-11 bắt đầu triển khai Nghị định 71/CP, Phòng CSGT TP đã ra quân thực hiện nội dung này như thế nào?
* Thượng tá TRẦN THANH TRÀ: Đây là việc làm thường xuyên của chúng tôi, khác chăng là mức phạt được quy định trong NĐ 71/CP về “Không chuyển quyền sở hữu theo quy định” cao hơn hẳn so với NĐ 34/CP nên nhân dân quan tâm hơn. Ngoài ra, một vài tờ báo đưa tin chưa chính xác nên nhân dân lo bị phạt nặng khi điều khiển xe không chính chủ, xe mượn của người thân, nhất là khi tiền phạt cao nhất đối với lỗi vi phạm trên có thể lên đến 10 triệu đồng/ô tô và 1 triệu đồng/xe gắn máy.
* Người dân lo lắng bởi tại TPHCM hiện có tới gần 50% xe máy lưu hành không chính chủ, vậy hướng xử lý vấn đề này như thế nào?
* Luật không quy định người tham gia giao thông phải điều khiển phương tiện chính chủ. Tôi có thể nói ngay, người dân yên tâm khi tham gia giao thông chỉ cần luôn nhớ mang theo 4 loại giấy tờ: CMND, giấy đăng ký xe, bằng lái xe (phù hợp với loại xe) và bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực. Đối với kinh doanh vận tải hoặc hành khách cần có thêm các giấy tờ liên quan đến hành khách và hàng hóa vận chuyển trên đường. Đối với những xe phát hiện vi phạm bị tạm giữ, người điều khiển phương tiện chỉ cần chứng minh mượn xe hợp pháp có thể nhận xe về, sau khi đóng phạt theo quy định.
* Vậy hiểu thế nào là “mượn xe hợp pháp”?
* Ngoài kế hoạch phối hợp với các lực lượng: tiến hành kiểm tra các đối tượng thanh thiếu niên gây rối trật tự, có hành vi vi phạm Luật Giao thông sau 23 giờ, lực lượng CSGT TP không tự ý dừng xe không lỗi để kiểm tra giấy tờ xem xe có chính chủ hay không. Chúng tôi chỉ buộc người điều khiển phương tiện bị tạm giữ không phải của mình phải bổ sung CMND, hộ khẩu (có công chứng) của người đứng tên chủ sở hữu xe, khi đến làm thủ tục nhận lại xe. Đó là mượn xe hợp pháp.
Quy định buộc người dân phải tiến hành thủ tục sang tên khi mua bán xe theo quy định trong thời hạn 30 ngày, theo Thông tư 36/BCA (năm 2010) là một trong những cách bảo vệ tốt hơn tài sản nhân dân.
* Có thông tin, nhiều xe mang bảng số ngoại giao, bảng số nước ngoài đang tham gia giao thông không phải là xe chính chủ, vậy các loại xe trên có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 71/CP?
* Đối với xe mang bảng số ngoại giao, Bộ Công an và Công an TPHCM đã có kế hoạch phối hợp với ngành ngoại giao rà soát lại những xe chuyển nhượng nhưng chưa sang tên để yêu cầu người được chuyển nhượng thực hiện đúng quy định. Với xe mang bảng số nước ngoài, chúng tôi thực hiện công việc bình thường, theo đúng luật định, không có ngoại lệ cá biệt nào.
* Đồng chí có kiến nghị gì về việc triển khai thực hiện Nghị định 71/CP ở TPHCM?
* Chúng tôi phát hiện 2.036 trường hợp, trong đó có 731 trường hợp vi phạm Nghị định 71/CP đã bị xử lý; tạm giữ 71 phương tiện (7 ô tô; 64 mô tô). Trong đó, có một số trường hợp phương tiện bị tạm giữ liên quan đến yếu tố chính chủ đang được ra soát.
PHẠM THỤC-ĐOÀN HIỆP
| |
- Thông tin liên quan:
>> Ngày đầu thực hiện Nghị định 71/CP - Linh hoạt trong xử lý vi phạm