Ngày đầu thực hiện Nghị định 71/CP - Linh hoạt trong xử lý vi phạm

  • Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông

(SGGP).– Hôm qua 10-11, ngày đầu tiên Nghị định 71/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” chính thức có hiệu lực thi hành.

Tại Hà Nội, trong ngày đầu thực hiện Nghị định 71/CP tại nhiều chốt giao thông quan trọng, Phòng CSGT, Công an TP đã tăng cường thêm quân số để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều nút giao thông lớn của Hà Nội như Cầu Giấy, ngã tư QL5 – Cầu Chui, Ô Chợ Dừa, Ngã tư Vọng… việc người dân tuân thủ luật lệ giao thông cũng như hướng dẫn giao thông của CSGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông giảm đáng kể.

Theo Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, tuy là ngày đầu thực hiện Nghị định 71 nhưng lực lượng CSGT đã được quán triệt trước đó kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là với những vi phạm có biểu hiện chống đối lực lượng chức năng. Đáng chú ý, đối với quy định mới về việc xử phạt những phương tiện tham gia giao thông không chính chủ, không làm thủ tục sang tên đổi chủ, đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, trước mắt những ngày đầu sẽ chỉ quyết định xử phạt người điều khiển nhưng không tạm giữ phương tiện.

Cũng liên quan tới vấn đề thực hiện Nghị định 71/CP, chiều cùng ngày, Công an Hà Nội đã có cuộc họp để giải đáp thắc mắc ngày đầu tiên thực hiện theo nội dung của nghị định này. Việc người dân có ý kiến thắc mắc về việc mua bán, chuyển nhượng, sang tên và mức xử lý, Công an Hà Nội cho biết, về những xe mua bán, cho tặng, qua nhiều chủ nhưng chưa làm thủ tục sang tên, người mua cuối cùng lại bán cho người khác. Khi sang tên, người cuối cùng phải có giấy tờ mua bán hợp lệ, theo quy định phải đóng thuế. Bạn bè, bố mẹ, anh chị hay người thân cho mượn phương tiện thì người tham gia giao thông phải mang theo giấy đăng ký chiếc xe đó và bằng lái hợp lệ. Đối với ô tô còn phải có sổ kiểm định chất lượng. Những trường hợp không có bằng lái, giấy tờ xe… thì tạm giữ phương tiện và xử lý theo quy định của luật. Đối với những người ngoại tỉnh lần đầu về Hà Nội, chưa nắm rõ về Nghị định 71, người lớn tuổi, học sinh - sinh viên, phụ nữ vi phạm lần đầu, CSGT chỉ nhắc nhở, nếu vi phạm lần 2 sẽ xử lý nghiêm.

Chiều 10-11, Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết, trong ngày đầu tiên áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về giao thông theo Nghị định 71, tình hình giao thông tại thành phố đã diễn ra khá ổn định. Trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, cho biết trong ngày 10-11 đã nhắc nhở và xử phạt theo quy định mới hơn 50 trường hợp vi phạm luật giao thông.

Qua trao đổi với lãnh đạo CSGT một số quận, huyện, phần đông người vi phạm giao thông vẫn chưa biết mức xử phạt cao so với trước. Việc xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện không có giấy tờ (do bị tạm giữ giấy tờ xe do vi phạm trước đó) cũng gặp khó khăn, do chưa đến ngày nộp phạt...

* Hôm qua 10-11, Ủy ban ATGT quốc gia và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại Hà Nội. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì TNGT.

Đại lễ cầu siêu diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng vì TNGT, trong đó nhiều người chết oan uổng vì những tai nạn bất ngờ. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự giáo hội, chia sẻ: “Tăng ni, phật tử thực hiện Đại lễ cầu siêu tưởng niệm đối với các nạn nhân tử vong vì TNGT với một mong muốn cầu nguyện để các chân linh được siêu thoát ở nơi suối vàng và chia buồn chân thành đến các gia đình có người thân bị nạn. Đồng thời, giúp mỗi người chúng ta nhìn lại mình để có những nhận thức sâu sắc và chung tay xây dựng giá trị văn hóa giao thông”.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh: “Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì TNGT là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người không may khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, gánh nặng với người thân của họ. Đại lễ cũng là cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng… về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cho cộng đồng”.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi ngày trung bình nước ta có hơn 30 người chết cùng với hàng chục người phải chịu thương tật suốt đời do TNGT. Đáng buồn hơn, những người bị TNGT hầu hết ở độ tuổi lao động, đang tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục