
Ít nhất, TPHCM đã có 3 quy chế quản lý kiến trúc dọc 3 trục đường huyết mạch được phê duyệt và có hiệu lực khoảng 2 năm qua. Tuy nhiên, dấu ấn của những quy chế này còn rất mờ nhạt trong thực tế…
Mới giải quyết phần nhỏ của vấn đề
Ba tuyến đường huyết mạch của TPHCM đã có quy chế quản lý kiến trúc là đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội. Nhìn nhận về việc triển khai thực hiện quy chế quản lý kiến trúc tại các tuyến đường này, ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM - đơn vị trực tiếp xây dựng quy chế kiến trúc cho 2 trong 3 tuyến đường nêu trên, cho biết: Quy chế quản lý kiến trúc mới chỉ giúp cung cấp thêm thông tin cho các quận, huyện trong công tác cấp phép xây dựng. Mục tiêu quan trọng nhất, lớn nhất của các quy chế quản lý kiến trúc là giúp chỉnh trang đô thị, hình thành dọc tuyến đường những khu đô thị hiện đại, làm điểm nhấn kiến trúc cho thành phố, giúp xóa nhà siêu mỏng, siêu dị dạng… gần như chưa được thực hiện.

Nhà phố bên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Trên thực tế, không gian kiến trúc, tình trạng xây dựng nhà và nhiều công trình xây dựng khác ở cả 3 tuyến đường nêu trên vẫn manh mún, nhỏ lẻ… Nhiều ngôi nhà đã được xây mới dọc các tuyến đường này nhưng đa phần đều là những ngôi nhà đơn lẻ, dạng nhà ống với những kiến trúc đơn giản… chưa có manh nha nào cho thấy, dọc các tuyến đường này sẽ có những điểm nhấn về kiến trúc đáng tự hào cho thành phố. Chưa kể, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu dị dạng vẫn tồn tại… Đặc biệt, trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, đoạn gần chợ Cầu Muối cũ, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường lại tái diễn, nhất là vào buổi sáng. Hàng bán cá, bán rau… tràn ra đường, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Mặt đường bị một số tiểu thương đổ nước cá, nước rau… đến trưa, bốc mùi hôi, tanh rất khó chịu.
Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp
Sẽ không thể có những khu dân cư hay những công trình kiến trúc hiện đại, thực sự tạo điểm nhấn kiến trúc cho thành phố nếu không có cơ chế kêu gọi đầu tư đặc biệt được thể chế hóa bằng những quyết định của thành phố, ông Huỳnh Xuân Thụ cho biết như vậy khi nhận định về nguyên nhân làm cho quy chế quản lý kiến trúc 3 tuyến đường nêu trên chưa phát huy nhiều hiệu quả trên thực tế. Cũng theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Nhà nước phải có vai trò tích cực hơn trong việc kêu gọi đầu tư, ví dụ như tập trung giải quyết nhanh những nhà xưởng, cơ sở sản xuất nằm trong danh sách phải di dời vẫn còn đang nằm dọc các tuyến đường này, đặc biệt các cơ sở nằm trên đường Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội, tạo quỹ đất trống, cho doanh nghiệp vào đầu tư. Thậm chí, Nhà nước phải chủ động làm bài toán đầu tư, làm trước quy hoạch ở một số khu vực để doanh nghiệp có cơ sở tham gia đầu tư…
Đứng ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đất Lành, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cũng cho rằng, nếu không có những cơ chế kêu gọi đầu tư đặc biệt vào việc chỉnh trang đô thị trên các tuyến đường này thì sẽ không có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dám đầu tư vào đây. Cùng với sự hình thành của 3 tuyến đường hiện đại và đẹp vào loại bậc nhất thành phố này, giá trị nhà đất dọc hai bên đường đã tăng lên rất nhiều. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ, ngay khâu đầu tiên: giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng khó làm. Chưa kể, tâm lý nhiều người dân ở đây cũng không muốn di dời hoặc “bỏ” nhà ở dưới đất để lên cao ốc, trong tình huống nhà đầu tư đưa ra phương án “tái định cư tại chỗ” cho người dân để họ chấp nhận giao đất.
Thị trường địa ốc đã có nhiều tín hiệu tích cực song cơ bản vẫn gặp nhiều khó khăn. Lượng căn hộ cũng như đất nền còn tồn kho khá nhiều. Trong bối cảnh này, rất khó kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia vào các dự án chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn đang tiếp tục đầu tư thêm các dự án mới như Vincom, Noveland… Như vậy, vấn đề ở đây rốt cuộc vẫn là… cơ chế chính sách. Một cơ chế chính sách sao cho thật sự hấp dẫn doanh nghiệp. Theo một chuyên gia về phát triển đô thị, đừng nên quá tính toán thiệt hơn với nhà đầu tư. Nếu những khu nhà xập xệ ở 3 trục đường nêu trên được chỉnh trang, các khu phố tại đây thực sự tạo được dấu ấn kiến trúc cho thành phố thì không những bộ mặt thành phố được cải thiện đáng kể, chất lượng sống của người dân được nâng lên mà thành phố được chỉnh trang cũng góp phần thúc đẩy du lịch và nhiều ngành kinh tế khác phát triển. Nguồn thu từ những lợi ích này hoàn toàn có thể bù đắp được cho những thiệt hại nếu có khi thành phố ban hành những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư chỉnh trang đô thị trên 3 tuyến đường nêu trên.
NGUYỄN KHOA