Thực hiện quyền khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính

Về bản chất, cả hai quyền khiếu nại và quyền khởi kiện vụ án hành chính đều nhằm giúp cho cá nhân hay tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, hai quyền này lại được quy định tại hai luật khác nhau, với cách thức giải quyết khác nhau, nên người dân cảm thấy lúng túng khi thực hiện các quyền này.

Cùng giải quyết một vấn đề, khi nào thì chọn biện pháp khiếu nại và khi nào thì chọn biện pháp khởi kiện vụ án hành chính? Đâu mới là biện pháp tối ưu? Việc lựa chọn thực hiện quyền này có làm mất đi quyền kia hay không? Những vấn đề này đã được quy định rất rõ trong Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố tụng hành chính 2010.

Theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, khi có căn cứ và cơ sở cho rằng một quyết định hành chính, một hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân hay tổ chức, thì cá nhân hay tổ chức có quyền khiếu nại theo trình tự sau: Khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính bị khiếu nại. Khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu khi cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết.

Cũng theo quy định tại điều này, cá nhân, tổ chức tại mọi giai đoạn của quá trình khiếu nại đều có quyền chuyển qua áp dụng biện pháp khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, khi phát hiện ra một quyết định hành chính, một hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thì cá nhân, tổ chức có quyền ngay lập tức tiến hành khởi kiện vụ án hành chính. Trong giai đoạn khiếu nại lần đầu, nếu cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu, hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền tiến hành khởi kiện vụ án hành chính. Trong giai đoạn khiếu nại lần hai, nếu cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Vậy trường hợp cá nhân, tổ chức đồng thời thực hiện việc khiếu nại và tiến hành khởi kiện vụ án hành chính tại tòa thì sẽ giải quyết ra sao? Đối với trường hợp này, theo quy định tại Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2010, tòa án sẽ yêu cầu cá nhân, tổ chức lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức chọn việc khiếu nại thay vì khởi kiện vụ án hành chính, thì tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết, thì người khiếu nại vẫn có quyền tiếp tục khởi kiện vụ án hành chính tại tòa.

Như vậy, với những quy định trên, người dân hoàn toàn được tự do chọn lựa cho mình cách thức giải quyết phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích cho mình. Bên cạnh đó, với sự chênh lệch về thời hiệu khiếu nại (tối đa 90 ngày theo Điều 9 Luật Khiếu nại 2011) và thời hiệu khởi kiện (tối đa là 1 năm theo Điều 104 Luật Tố tụng hành chính 2010), người dân nên có phương án kết hợp giữa biện pháp khiếu nại và khởi kiện thích hợp để đảm bảo quyền lợi tối ưu nhất cho mình.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục