Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa những thông tin từ các cơ quan chức năng về việc một số mặt hàng có chứa dư lượng chất độc hại có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy hiện nay công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường ra sao? Thực phẩm có an toàn vệ sinh?
Hàng hóa “phơi trần”
Những ngày qua, dư luận cảm thấy hoang mang, lo lắng trước thông tin kết quả kiểm nghiệm mẫu gừng Trung Quốc lấy tại thị trường TPHCM và Hà Nội phát hiện có chứa chất (trừ sâu) aldicarb cực độc. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TPHCM, tình hình kinh doanh gừng Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Trong vai khách hàng, ghé vào một quầy bán gừng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thấy chủ hàng để 2 thùng gừng, một loại củ to, da trơn rất bắt mắt; còn một loại củ nhỏ, da sần sùi, tôi liền hỏi: “Sao lại có 2 loại gừng khác nhau vậy, chị?”. “Một thứ là gừng Trung Quốc, một thứ là gừng Việt Nam đó em” - chủ hàng tiết lộ. “Giá bán thế nào? Chất lượng có khác gì nhau không?” - tôi hỏi. “Giá bán như nhau, 24.000 đồng/kg; còn về chất lượng tương đương nhau. Tuy nhiên, gừng Trung Quốc củ to, da trơn, mỏng nên dễ bóc” - chủ hàng cho biết.
Hiện nay tình trạng một số mặt hàng thực phẩm có chứa dư lượng hóa chất, phụ gia không đảm bảo an toàn sức khỏe cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng. Trong vai khách hàng, chúng tôi dạo một vòng chợ Bình Tây, nhẩm tính có đến hàng trăm loại thực phẩm khô: nấm tuyết, nấm đông cô, táo tàu, bò khô, cá khô, mực khô… trong tình trạng “phơi trần”, không nhãn mác, không bao bì, không ghi hạn sử dụng. Phần lớn thực phẩm khô được bày bán ở đây với đủ màu sắc sặc sỡ do sử dụng chất phụ gia. Các gian hàng bò khô, măng khô với khối màu đỏ quạch, vàng ruộm; táo khô với màu đỏ ửng...
Điều đáng nói là với những loại thực phẩm khô như mực, bò khô, cá cơm ướp khô… được đựng trong những túi nylon trắng tinh, mở miệng túi, không có nhãn mác, bên ngoài chỉ viết tay tên mặt hàng bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa để giới thiệu sản phẩm và bị ruồi, nhặng vây quanh rất mất vệ sinh.
Tương tự, tại chợ An Đông, thực phẩm khô cũng có đủ loại: tôm khô, mực khô, bò khô, cá cơm ướp khô… được bày la liệt ở các sạp nhưng đều không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Ghé một sạp, hỏi mua món bò khô, chị bán hàng giới thiệu đủ loại, nào là bò khô nguyên miếng, dạng que hay xé sợi nhỏ với đủ loại giá khác nhau. Thấy hàng hóa bày bán không có bao bì, nhãn mác và bị “phơi trần”, tôi thắc mắc: “Sao hàng ở đây không có bao bì, nguồn gốc xuất xứ gì, liệu có đảm bảo không?”. “Em yên tâm đi, tụi chị ở đây làm ăn uy tín lắm, nếu em mua chị sẽ đóng gói cho. Hàng tụi chị bán đã được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đầy đủ. Khách Tây, có người mua đến cả 4 - 5kg lận” - chị chủ hàng trấn an.
Chỉ mới kiểm tra, nhắc nhở
Tại chợ Bình Tây, hoạt động kinh doanh buôn bán diễn ra từ sáng sớm đến chiều tối, cảnh người mua, kẻ bán diễn ra tấp nập. Tại góc đường Trần Bình - Tháp Mười, chiếc xe tải 51C-022… chở hàng đến giao cho chủ hàng, khi phát hiện thấy lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đang đi kiểm tra, một nam thanh niên dáng người gầy, đứng nép mình vào bên hông xe tải gọi điện cho chủ hàng: “Hàng đã được chở đến nhưng QLTT đang đi kiểm tra, tính sao đây?”…, và nhận chỉ đạo từ đầu dây bên kia.
Ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết, thời gian qua, Ban quản lý thường xuyên nhắc nhở tiểu thương về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá, bán đúng giá. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương không được bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, đa số các mặt hàng mà tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ đều có chứng từ thể hiện xuất xứ nguồn gốc hàng hóa của đơn vị sản xuất và được các cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên.
Còn ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2013, lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra 2.848 vụ và phát hiện 2.267 vụ vi phạm. Tuy nhiên, do TPHCM có sức tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khá lớn, trong khi đó 70% nguồn hàng hóa thực phẩm được nhập từ các tỉnh về. Vì một số người kinh doanh hám lợi, bất chấp pháp luật tìm mọi cách trốn tránh, qua mặt các cơ quan chức năng, kể cả chống đối các lực lượng chức năng khi bị bắt giữ hàng hóa như các vụ việc “nóng” về kinh doanh gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, nguồn thực phẩm nhập khẩu từ các tỉnh qua biên giới về rất nhiều nên công tác kiểm tra, bắt giữ, xử lý và xác minh các chứng từ, hóa đơn, kiểm định vì thời gian kéo dài, kho tàng lưu giữ các sản phẩm rất khó khăn.
Đặc biệt, khó khăn nhất là việc các chứng từ, hóa đơn xoay vòng, lợi dụng sơ hở của pháp luật - trước đây cho thời hạn xuất trình hóa đơn là 24 giờ, nay Thông tư 60 liên bộ Tài chính - Công an - Công thương cho thời gian xuất trình hóa đơn chứng từ 72 giờ nên việc thẩm tra, xác minh rất khó khăn.
ĐÌNH LÝ