Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong thời gian qua như gà thải, lòng heo thối, thủy hải sản “ngậm” hóa chất… khiến ai nấy đều lo ngại. Đặc biệt, trong thời điểm “năm hết, tết đến”, các loại thực phẩm đang đua nhau tung ra thị trường khiến nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Ngày 21-12, Chi cục ATVSTP TPHCM tổ chức hội thảo “Tác hại của ngộ độc thực phẩm - Thực trạng và giải pháp” nhằm phần nào siết chặt ATVSTP.
Ngộ độc tràn lan
Với đặc thù là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tập trung nhiều lao động lẫn dân nhập cư, TPHCM đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao từ suất ăn sẵn. Theo thống kê của Cục Thống kê thành phố, có khoảng 3,79 triệu người lao động sử dụng suất ăn dưới các hình thức như bếp ăn tập thể, nhận suất ăn sẵn, ăn tại các hàng quán, cửa hàng ăn…) và khoảng 0,5 triệu các bé mầm non sử dụng suất ăn hàng ngày và một bộ phận không nhỏ các học sinh cấp 1, 2 bán trú sử dụng suất ăn. Theo Phòng Y tế quận 1, suất ăn sẵn ngày càng được các trường học lựa chọn. Trong 5 năm gần đây đã có 4 trường ở quận 1 chuyển từ bếp ăn tập thể sang suất ăn sẵn. Theo Chi cục ATVSTP TPHCM, hiện toàn thành phố có 2.971 cơ sở bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Trong 6 tháng 2012, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra 100% cơ sở cung cấp suất ăn sẵn (136 cơ sở). Kết quả 36/136 cơ sở không đạt điều kiện ATVSTP do nhà bếp bám bẩn, sàn nhà hư hỏng, ứ đọng nước, chưa trang bị tủ kín bảo quản dụng cụ ăn uống, chưa chế biến hợp vệ sinh… Tương tự, kiểm tra 2.162 bếp ăn tập thể cũng cho thấy nhiều bếp ăn chưa đạt ATVSTP. Trong số 111 bếp ăn tập thể do Chi cục ATVSTP kiểm tra, phát hiện 44 bếp ăn không đạt yêu cầu ATVSTP (chiếm 39,64%).
Năm 2012, toàn thành phố có 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 582 người mắc. Trung bình số người mắc trên 100.000 dân là 7,75 người, thấp hơn chỉ tiêu quốc gia về ngộ độc thực phẩm năm 2015 là 8 người/100.000 dân. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, số vụ ngộ độc thực phẩm có giảm nhưng quy mô ngộ độc ngày càng tăng, số người mắc tăng. Nếu như năm 2010 trung bình 56,46 người mắc/vụ thì tăng lên 94,44 người/vụ trong năm 2011 và năm 2012 là 116,4 người/vụ. Đồng thời, tỷ lệ ngộ độc do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn gây ra ngày càng tăng. Trong năm 2011, trong 8 vụ ngộ độc thực phẩm thì 7 vụ nấu từ ngoài đem vào; trong 5 vụ ngộ độc năm 2012 thì 2 vụ có nguyên nhân từ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, ngoài việc chế biến mất vệ sinh, thiếu công cụ, bảo quản thì nguyên liệu không an toàn do tiết kiệm chi phí cũng là nguyên nhân chính. “Một suất ăn từ 7.000 đến 12.000 đồng thì chắc chắn cơ sở nấu ăn lựa chọn nguyên liệu rẻ tiền”, ông Hòa nói. Điều này cũng phù hợp ý kiến của đại diện công ty TNHH TM-DV Minh Nam (cung cấp suất ăn sẵn ở quận Bình Tân, TPHCM) khi cho rằng chất lượng bữa ăn tập thể đang bị khống chế bởi giá nên các nhà cung cấp suất ăn cạnh tranh nhau quyết liệt. “Các công ty miễn cưỡng bỏ tiền ra mua bữa ăn cho công nhân nên càng rẻ càng tốt”, đại diện công ty trình bày.
Siết không xuể
Trong khi đó, cứ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán lại rộ lên tình trạng mất ATVSTP. “Đến hẹn lại lên”, thị trường mứt, lạp xưởng, hạt dưa, bánh kẹo chế biến bẩn thỉu, chứa chất gây ung thư… đang ùn ùn tung ra thị trường. Ghé qua các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5) hay Bến Thành (quận 1), nhiều loại mứt đã được bày bán trông đẹp mắt, ngon lành, hấp dẫn. Tuy nhiên, hầu hết được gói trong các bịch ni lông 0,5kg hoặc 1kg mà không hề có nhãn mác xuất xứ, nguồn gốc, thành phần. Một bà chủ sạp ở chợ Bình Tây lớn tiếng: “Hàng thủ công, làm tay thì có chứng nhận gì chú”. Trong các đợt thanh tra ATVSTP, cơ quan chức năng đã không khỏi sửng sốt chứng kiến cảnh tượng sản xuất, chế biến những loại mứt trong điều kiện bụi bặm, hôi hám, mất vệ sinh của các cơ sở làm mứt dọc theo cư xá Đường Sắt (phường 1, quận 3). Những người làm mứt với đôi tay trần, mồ hôi nhễ nhại nhào nặn những gừng, bí đao, mảng cầu và ngâm tẩm những hóa chất..., nhìn đến buồn nôn. Hay cơ sở làm mứt T. (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), mà Chi cục ATVSTP từng “mục sở thị” là sản xuất mứt ngay trên sàn nhà, cạnh nhà vệ sinh và ngâm mứt trong các thùng bốc mùi hôi thối… Để có mứt đẹp, hạt dưa đỏ mọng, người chế biến không ngại cho thêm các phụ gia, hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, các loại hoa quả sấy khô, bánh kẹo các loại cũng bắt đầu tập kết về các chợ đầu mối nói trên để cung ứng cho các tỉnh. Qua ghi nhận, phần lớn không rõ nguồn gốc, nhãn mác không rõ ràng. Thậm chí có những loại có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có ghi nhãn phụ, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng…
Theo BS Thái Thanh Hải, Trưởng phòng Y tế quận 5, nơi tập trung nhiều cơ sở buôn bán hóa chất phụ gia ở chợ Kim Biên, điều kiện vệ sinh tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn còn hạn chế, việc sử dụng hóa chất phụ gia chưa được kiểm soát như đường hóa học, phẩm màu độc hại trong gia vị, sử dụng chất bảo quản không đúng cách, hành phi, mỡ dầu ôi hư không an toàn vệ sinh… “Cần có sự phối hợp đồng bộ trong quá trình chỉ đạo, giám sát, kiểm tra… giữa thành phố và quận huyện trong kiểm soát an toàn thực phẩm”, BS Hải nói. Còn BS Trần Hùng, Giám đốc TTYTDP quận Bình Tân cho rằng nhiều cơ sở không nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, có cơ sở được cấp rồi nhưng khi hậu kiểm thì chưa đảm bảo vệ sinh do xuống cấp, thuê mướn hợp đồng ngắn hạn như không chịu sửa chữa. “Các cơ sở không đạt ATVSTP sẽ cho kiểm tra liên tục, nếu không đạt sẽ xử lý nghiêm, dứt điểm”, BS Hùng nhấn mạnh…
Tình trạng kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định... đang gia tăng và có nguy cơ gây ngộ độc trong dịp tết sắp đến. Do đó, theo TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các địa phương chủ động lấy mẫu giám sát chất lượng, giám sát mối nguy trên nhóm đối tượng thực phẩm nguy cơ là rất cần thiết. Mặt khác, tiến hành kiểm tra quyết liệt các cơ sở cung cấp thực phẩm tết để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ ngộ độc.
| |
Tường Lâm