Qua đường dây nóng, bạn đọc TPHCM phản ánh, một số quán ăn bình dân ở những khu dân cư có đông khách hàng là sinh viên và người lao động tại quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp… tận dụng thực phẩm ôi thiu tồn lại cuối ngày ở các chợ để chế biến, nhằm giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
Giá rẻ bất ngờ
Từ Nam Định vào TPHCM, về quận 9 mở quán cơm bình dân kiếm sống, hàng ngày chị Nguyễn Thị Đượm thường đi chợ mua những thực phẩm loại 2 có giá rẻ về chế biến. Dù quán rất đông khách, nhưng sau 1 tháng tính toán lại sổ sách, chị thấy vẫn không có lời bao nhiêu. Chị gọi điện hỏi thăm một người đồng hương cũng đang mở quán cơm ở Bình Thạnh để học hỏi kinh nghiệm, thì được hướng dẫn tìm nguồn thực phẩm siêu rẻ. Sau đó chị Đượm lân la ở các chợ cóc quanh đó và cũng tìm được vài mối cung ứng thịt, cá, rau củ với giá rẻ bất ngờ. Chị Đượm kể: “Các mối thịt cá sẽ giao hàng khi tan chợ vào cuối ngày, loại nào còn tươi, họ bảo quản hôm sau bán tiếp; loại nào màu đậm và có mùi thì bán với giá bằng 60% giá gốc. Thậm chí nhiều khi ế quá họ vừa bán vừa cho, nhất là mối rau củ. Tuy vậy, nếu mình không xem kỹ, vẫn có khi bị giao hàng ướp đá từ mấy ngày trước”. Mua nguồn hàng này, chị Đượm giảm được khá nhiều chi phí, giá thịt heo chỉ từ 25.000 đến 45.000 đồng/kg tùy loại, giá thịt gà từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, giá cá nục và cá basa cũng chỉ khoảng 10.000 - 15.000/kg. Nhờ có mối thực phẩm này, dù chỉ bán 15.000 đồng/dĩa cơm, sau khi tính chi phí, hàng tháng chị Đượm vẫn có một khoản lời kha khá.
Hầu hết thực phẩm tại các chợ chiều tự phát đều là hàng tồn lại từ chợ sáng và cũng có khi từ ngày hôm trước. Giả tìm mối thực phẩm để mở tiệm cơm, chúng tôi đến một vài quầy bày bán thực phẩm đã ngả màu tái thâm ở chợ chiều tự phát trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), chợ Văn Thánh cũ (quận Bình Thạnh) và chợ Phước Bình (quận 9). Lúc đầu người bán còn do dự nhưng khi nghe nói có người quen giới thiệu thì ai cũng tỏ ra khá niềm nở. Theo họ, muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, giá cả thỏa thuận theo từng ngày, nhưng có thể yên tâm vì làm ăn uy tín, không bao giờ để khách hàng bị thiệt. Thấy khách lấy mối, chủ một quầy nội tạng heo mời chào: “Nếu có mở hàng bán cháo lòng thì ghé chị nhé, chị bao rẻ cho”.
Cảnh giác ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn cơm tối tại quán cơm bình dân Sa Hân trên đường Dương Đình Hội (quận 9), anh Trần Khánh Long, sinh viên Trường Cao đẳng GTVT TPHCM, phải nhập viện vì ói mửa và tiêu chảy. Anh Long cho biết, khi cầm tờ giấy định bệnh của bác sĩ kết luận bị ngộ độc thực phẩm mang đến quán cơm này để hỏi cho ra lẽ, anh lại bị chủ quán mắng té tát: “Ăn bậy ở đâu, rồi bệnh, ra đây đổ thừa. Hàng trăm khách ăn ở quán này có ai tới phàn nàn gì đâu”. Anh Long đành ra về, gần 1 tháng sau anh mới biết ngày hôm đó không chỉ riêng mình anh bị ngộ độc, có mấy bạn sinh viên chung trường anh cũng bị ói mửa và tiêu chảy sau khi ăn tại đây. Anh Trần Bình Minh và Đoàn Văn Đương (ngụ quận Bình Thạnh) cũng phản ánh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cháo lòng ở một quán ngay chân cầu Chu Văn An (quận Bình Thạnh).
Không chỉ cung ứng thực phẩm ế cho các quán cơm bình dân, nhiều quầy thực phẩm ở chợ còn bỏ mối cho các bếp ăn tập thể tại các cơ sở sản xuất nhỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể thời gian qua. Anh phụ bếp của một xưởng may gia công ở quận Tân Phú cho biết, nhà bếp được chủ doanh nghiệp giao lo 2 bữa ăn hàng ngày cho 30 công nhân làm việc và ăn ở tại đây, được cho toàn quyền lựa chọn thực phẩm và lên thực đơn, miễn sao rẻ. Do số tiền chợ ít ỏi nên nhà bếp phải dè sẻn tối đa. Vào cuối ngày, khi công nhân đã đi ngủ, nhà bếp mới nhập thực phẩm để sơ chế, tẩm ướp gia vị đầy đủ, ngày hôm sau chỉ việc chế biến. Thực phẩm do một người chuyên thu gom thịt, cá, rau củ ở nhiều quầy tại các chợ đem về đóng bao sẵn rồi mang bỏ mối cho các bếp ăn công nhân.
Bếp chính một xưởng thủ công mỹ nghệ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) tiết lộ bí quyết: “Thực phẩm ôi thiu đến mấy cũng sẽ tươi ngon nếu biết cách chế biến. Nếu thịt cá chỉ bị trắng hoặc thâm màu thì nhúng qua nước muối đun sôi sẽ bớt mùi và màu đẹp hơn. Khi chế biến, nhớ ướp gia vị nhiều, còn nếu đã bị ôi thiu bắt buộc phải dùng hóa chất là chất tẩy đường, có bán đầy ở chợ hóa chất Kim Biên”. Khi chúng tôi bày tỏ lo ngại trước nguy cơ công nhân bị ngộ độc, anh cho biết: “Cũng hên xui, tuy nhiên hầu hết đầu bếp là bà con với chủ nên chỉ bị cảnh cáo và mất một khoản tiền lo thuốc men cho công nhân chứ không bị đuổi việc”.
THANH LY