Thước đo của sự phát triển

Dường như, những chiếc huy chương của bắn súng đã làm giảm đi sự thu hút của người hâm mộ Việt Nam với các tuyển thủ điền kinh thi đấu tại Olympic 2016. Dù thực tế, điền kinh là môn thể thao “nữ hoàng” và luôn nhận được sự chú ý lớn nhất ở mọi kỳ Olympic diễn ra…

1. VĐV Nguyễn Thị Huyền đã ra thi đấu sau đúng 1 năm... nghỉ ngơi. Giờ này năm ngoái, cô đang tranh tài Giải điền kinh VĐTG 2015. Trong cuộc chiến ở Rio de Janeiro 2016, Nguyễn Thị Huyền hoàn tất cuộc thi đầu tiên của mình là 400m. Một kết quả không để lại nhiều ấn tượng và một vị trí hạng 6 nội dung tại lượt vòng loại của mình đã không đủ để chân chạy này vào bán kết cự ly. Nhưng mọi người đều nhớ, cũng một năm trước thôi, sau Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) thì Nguyễn Thị Huyền là người được nhắc nhiều nhất, được chú ý hơn cả.

VĐV Nguyễn Thị Huyền chỉ để lại ấn tượng ở SEA Games 28.  Ảnh: Nhật Anh

Chân chạy người Nam Định đã nhận được những lời động viên cổ vũ chia sẻ nhiều nhất cũng như có nhiều... thưởng sau SEA Games 28-2015. Tiếc là, sự hồ hởi ấy dành cho Huyền đã không còn nhiều khi cô thi đấu Olympic 2016. Huyền vẫn là VĐV có thành tích ấn tượng của điền kinh Việt Nam trong cuộc tìm vé trực tiếp dự Olympic 2016. Nhưng chính cô đã không tạo được sự ổn định về sau để rồi xảy ra nhiều vấn đề làm mọi người hơi thất vọng. Chỉ số chuyên môn của Huyền đạt được tại cự ly 400m ở Rio de Janeiro không phải quá thấp (52”97).

Lần này, VĐV điền kinh, bơi lội hay cử tạ của Việt Nam đã bị “thất thế” vì chúng ta có huy chương ở bắn súng. Lại thêm, Nguyễn Thị Huyền không tạo được một cột mốc thành tích khác biệt (tính tới hết lượt đấu nội dung 400m). Ngày tiếp theo, Huyền ra thi đấu cự ly 400m rào ở Rio de Janeiro. Năm 2008 tại Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc), cựu tuyển thủ Vũ Thị Hương không thể tranh 1 vé trong nhóm đầu giành huy chương nội dung 100m nữ. Thế nhưng, nỗ lực vượt qua lượt vòng loại, vào bán kết cự ly tại Olympic năm đó của Hương rất được đánh giá cao. Cựu tuyển thủ này thu hút được người hâm mộ Việt Nam qua những bước chạy của mình. Từ trước tới giờ, chưa VĐV điền kinh nào của Việt Nam dự từ 2 kỳ Olympic trở lên. Nếu dự một kỳ Olympic, gần như họ không đạt được phong độ tốt ở sự chuẩn bị cho kỳ Olympic tiếp theo.

2. Tất cả các quốc gia của Đông Nam Á đều có suất Olympic 2016 môn điền kinh. Thể thao Thái Lan có 2 tuyển thủ thi marathon nam, nữ. Thể thao Indonesia 2 người 100m nam và nhảy xa nữ). Malaysia có 2 người gồm nhảy cao nam và 100m nữ, Singapore được 2 suất cho 100m nam và marathon nữ, thể thao Philippines đạt được 3 suất (400m rào nam, marathon nữ, nhảy xa nữ) trong khi Myanmar có VĐV tranh tài 5000m nam, 800m nữ; Lào thi đấu tại 110m rào nam, 100m nữ; Campuchia (marathon nam, nữ); Brunei (100m nam, 200m nữ) và Đông Timor được 2 suất thi đấu 1500m nam, nữ. Chúng ta có 2 suất nhưng thi đấu 3 nội dung là Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20km nam).

Olympic 2016 sẽ kém vui một khi điền kinh kết thúc sớm.

Những tuyển thủ điền kinh của Đông Nam Á, người đã tranh tài, người sắp thi đấu nội dung của mình tại Rio de Janeiro. Nhưng triển vọng nhất có lẽ chỉ là Maria Natalia Londa ở nội dung nhảy xa nữ (Indonesia) là có cơ hội tranh chấp huy chương. Nhìn tổng thể, điền kinh Đông Nam Á vẫn là “vùng trũng” so với điền kinh châu Á và Olympic. Tất cả các quốc gia (trong đó có Việt Nam) không quá tự tin tuyển thủ điền kinh đủ sức làm nên chuyện. Mọi người cảm thông vì sao tuyển thủ điền kinh của Đông Nam Á khi ra thi đấu tại Olympic ít khi tạo được niềm tin chiến thắng cho khán giả nhà (trừ trường hợp VĐV nhập tịch).

Môn điền kinh tại Olympic nếu kết thúc kể như sức hấp dẫn của đại hội ấy sẽ khép lại 50%. Với các quốc gia có VĐV điền kinh mạnh, sự cổ vũ dành cho những ngôi sao số 1 của họ luôn đông đảo. Chúng ta có Huyền và Ngưng giành được suất dự Olympic đã là thành công. Họ ra sân trong quyết tâm cao nhất nhưng thể lực và năng lực có hạn chưa thể làm gì hơn. Tầm của điền kinh Việt Nam vẫn chỉ ở cấp độ SEA Games và một chút tranh chấp tại Asian Games.

Hành trình vươn lên Olympic còn rất lâu nữa các VĐV Việt Nam mới đạt được. Điều đáng quý là trước đây điền kinh Việt Nam chỉ đi bằng suất mời thì 2 kỳ Olympic 2012 và 2016 chúng ta đều thi đấu bằng vé chính thức. Đấy là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, Olympic không phải mục tiêu duy nhất vì điền kinh còn nhiều nhiệm vụ cho các giải quốc tế lớn, nhỏ khác. Càng thất bại và chưa đạt được kết quả ở Olympic, ngành thể thao càng cần đầu tư hơn cho điền kinh.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục