“Thuốc kích thích” náo loạn thị trường

Từ lâu nay, tình trạng dùng “thuốc cấm” nhập lậu để kích thích rau mầm, giá đỗ đã được các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh, nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì hầu như lại khẳng định “không có chất cấm” hoặc “vẫn ở dưới ngưỡng cho phép”. Mới đây, cơ quan công an và quản lý thị trường Hà Nội bắt hơn 80.000 ống kích thích giá đỗ được nhập lậu từ Trung Quốc đã “lột trần” bức màn đen việc lạm dụng thuốc ngoài luồng để sản xuất nông sản, thực phẩm “độc”.
“Thuốc kích thích” náo loạn thị trường

Từ lâu nay, tình trạng dùng “thuốc cấm” nhập lậu để kích thích rau mầm, giá đỗ đã được các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh, nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì hầu như lại khẳng định “không có chất cấm” hoặc “vẫn ở dưới ngưỡng cho phép”. Mới đây, cơ quan công an và quản lý thị trường Hà Nội bắt hơn 80.000 ống kích thích giá đỗ được nhập lậu từ Trung Quốc đã “lột trần” bức màn đen việc lạm dụng thuốc ngoài luồng để sản xuất nông sản, thực phẩm “độc”.

Những vỉ thuốc “thúc chín tố” vừa bắt giữ tại huyện Ba Vì (Hà Nội).

Những vỉ thuốc “thúc chín tố” vừa bắt giữ tại huyện Ba Vì (Hà Nội).

Tràn ngập thuốc kích thích nông sản

Rõ ràng, vụ bắt giữ quả tang xe tải chở 80.000 ống thuốc kích thích sinh trưởng đã thêm một lần khiến người dân không thể ngồi yên. Bởi từ nhiều năm qua, mối lo ngại về các loại rau mầm, giá đỗ cũng như rất nhiều loại trái cây, rau xanh, thịt, cá nhiễm kim loại nặng, chất kích thích tăng trọng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc “thúc chín tố”, “tăng phọt”… đã nêu ra nhưng sau đó vẫn không được cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP thì từ vài năm trước, hiện tượng sử dụng thuốc kích thích để làm rau mầm, giá đỗ đã khá rộ tại các làng quanh Hà Nội - bởi đây là thị trường tiêu thụ lượng rau xanh, giá đỗ khổng lồ. Giá đỗ nếu làm theo cách thông thường thì phải sau 2-3 ngày mới được một mẻ, cọng giá cũng không được mập và trắng nên không bắt mắt. Do nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn và bữa ăn ngày càng tăng cao nên các cơ sở sản xuất đã nhanh chóng sử dụng thuốc kích thích để tăng sản lượng, mẫu mã và rút ngắn quy trình sản xuất.

Đáng buồn là từ nhiều năm nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật lậu, trong đó có thuốc kích thích sinh trưởng và thúc chín tố, kháng sinh cấm vẫn đã và đang âm thầm tuồn vào nội địa qua các cửa ngõ biên giới phía Bắc. Do việc quản lý của các cơ quan chức năng quá lỏng lẻo nên từ Hà Nội, các loại thuốc đó đã lan vào tận các tỉnh phía Nam. Tại TPHCM trong năm 2012 đã rộ lên tình trạng rau mầm, giá đỗ có thuốc kích thích. Sau đó, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế vào cuộc thì mới khẳng định có chất cấm trong giá đỗ và đã… “nhắc nhở” các cơ sở vi phạm.

Phải triệt từ gốc

Không chỉ thuốc kích thích sinh trưởng mà gần đây, thuốc thúc chín tố cũng đang tràn ngập thị trường nội địa và nguồn gốc cũng đều nhập lậu từ Trung Quốc. Tại miền Bắc, người nông dân đang sử dụng “thúc chín tố” để ép chín trái quy trình đối với các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như chuối, mít, đu đủ… Còn ở miền Nam, thuốc được ép chín sầu riêng, xoài, dứa…

Tại Hà Nội, cơ quan thanh tra bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội đã phát hiện một cơ sở ở thị trấn Quảng Oai - Ba Vì (Hà Nội) đang tàng trữ tới 1.500 ống “thúc chín tố” Trung Quốc. Đây là những vụ bắt giữ đầu tiên của cơ quan chức năng và đó cũng chỉ là một phần nhỏ nổi lên của “tảng băng chìm” đã tồn tại từ nhiều năm qua.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã cấp phép lưu hành cho 32 hoạt chất thuốc có tác dụng điều hòa và kích thích sinh trưởng. Tuy nhiên, hầu như nông dân vẫn đang sử dụng các thuốc “ngoài luồng”. Các thuốc điều hòa, kích thích sinh trưởng nhập lậu phổ biến nhất là thuốc kích thích giá đỗ, thuốc kích thích trái cây chín (hầu hết là Ethephon), và thuốc kích thích rau ăn lá (hầu hết là GA3).

Từ nhiều năm nay, tình trạng chung là khi nào có sự cố thì các cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, rồi thu thập mẫu, chờ phân tích và trả lời kết quả theo kiểu “trấn an dư luận”. Điệp khúc thường cứ lặp đi lặp lại như thế. Rút cuộc, thuốc cấm - thuốc lậu vẫn cứ náo loạn thị trường. Để ngăn chặn và đảm bảo an toàn thực phẩm, vì sức khỏe của người tiêu dùng thì rõ ràng phải triệt từ gốc, đó là kiểm soát chặt các đường dây nhập và buôn bán thuốc lậu, còn như “bắt sâu trên ngọn” như hiện nay thì khó quản được “chất cấm”.

* Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc sử dụng thuốc tăng trưởng và thúc chín tố là rất nguy hiểm vì làm cho nông sản chín hoặc phát triển nhanh trái quy trình. Theo ông, chẳng cần phân tích nhiều, loại thuốc mà chỉ sau vài tiếng đồng hồ hoặc qua một đêm đã làm cho trái chín vàng, cọng rau dài vọt hẳn ra thì tồn dư chất kích thích là không tránh khỏi và ảnh hưởng rõ tới sức khỏe người tiêu dùng.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục