Tản mạn cuối năm

“Thượng đế“buồn !

Chuyện trên sân bóng nhưng nghe như một khúc hát của Trần Tiến. Có điều đoạn kết trên sân bóng khác với đoạn kết của khúc hát là chẳng có đoạn “Thượng đế bỏ đi…”. Vâng, các Thượng đế vẫn trung thành dù có lúc bị đối xử thật bạc...

Cứ hay tin ở đâu có đội tuyển đá là ở đấy sốt vé. Đi xem đội tuyển đá ai mà chẳng máu! Thế nên, cứ vào “hội” là sốt vé, là có dịp cho phe vé bành trướng làm ăn.

“Thượng đế“buồn ! ảnh 1

Hai “Thượng đế” cuồng nhiệt của bóng đá Việt Nam: Ca sĩ Phương Thanh và Phương Thùy với nỗi buồn khi đội nhà thi đấu không thành công.

Một anh bạn thân ở Hà Nội cứ mỗi lần sắp có đội tuyển đá là anh lại điện thoại cho tôi trách có thằng bạn mà chẳng nhờ được gì cả. Anh trách vì đã có lần xếp hàng rồng rắn từ 4-5 giờ sáng chỉ để mua cho kỳ được chiếc vé xem đội tuyển đá. Còn tệ hơn cả hồi bao cấp mua nhu yếu phẩm bởi cái cảnh Thượng đế bị hành. Nghe anh kể, tôi hình dung ra được bởi đã từng chứng kiến cái cảnh Thượng đế đội nắng lại còn “không phải đầu thì phải tai” đến vã mồ hôi để săn vé.

Chuyện về vé đúng là các Thượng đế ở Hà Nội ăn đứt các Thượng đế trong Nam. Người ta nói các fan ngoài ấy máu hơn và cổ vũ hết mình hơn cũng chẳng sai đâu. Tôi từng chứng kiến cái cảnh ông Chánh Văn phòng Liên đoàn bóng đá TP.HCM vò đầu bứt tai và quát tháo ầm ĩ vì cái sân thì nhỏ mà giấy giới thiệu mua vé nhiều quá nên ông giải quyết không xuể nhưng bằng đấy thì thấm vào đâu so với người Hà Nội giành nhau chiếc vé!

Một lần nghe bạn bè xúi lột hết thẻ phóng viên, cất hết phù hiệu và máy ảnh thử làm fan sân Mỹ Đình, tôi chấp nhận và mới hiểu cái cảnh Thượng đế dầm mình như thế nào.

“Vé B cửa 4 tầng 2, triệu tư một đôi!” – Một bà béo hất hàm ra vẻ bất cần đời khi chúng tôi dò hỏi trước trận Việt Nam – Indonesia tại Tiger Cup rồi.

Càng đến gần Mỹ Đình, chợ vé càng xôm tụ. So với cái cảnh vé chợ đen ở sân Thống Nhất thì phe vé Hà Nội là bậc thầy. Phần vì Thượng đế ở Hà Nội máu hơn lại thoáng hơn khi có cái chỗ để vào cổ vũ. Tất nhiên chuyện “thầy” ở đây còn là “thầy” cái khoản tuồn vé bởi không loại vé nào mà phe vé không có cả.

Cũng chuyện tuồn vé này, nghe đâu đã có lần cơ quan có trách nhiệm chụp cả seri 1.500 vé từ một Sở và đấy cũng là lý do vì sao cái hàng của Thượng đế thì dài, vé được thông báo là nhiều, thế mà giải quyết mới hơn 1 giờ đã thông báo hết vé.

Nhưng Thượng đế đã máu thì chẳng ngại gì cả. Chiều hôm làm Thượng đế ấy, tôi may mắn đi cùng người bạn và chỉ mất 800 ngàn cho một cặp vé khán đài B. Anh bạn nức nở khen giá “mềm” bởi theo anh ấy thì cái chỗ này hồi SEA Games giá chót phải là triệu tám.

Theo anh, tôi hí hửng làm fan. Cũng hò hét cũng dán cờ, vẽ mặt rồi gào thét. Thỉnh thoảng sóng đến lại đứng lên vung tay sướng làm sao! Lại còn góp một tay chuyền cái cờ Tổ quốc chạy quanh sân nữa chứ !...

Nhưng có bên cạnh các Thượng đế mới cảm nhận đầy đủ nỗi lòng của họ. Chính vì
thế mà tôi tin rằng nếu các cầu thủ một lần được làm Thượng đế thì ai đó lỡ có cái tư tưởng bán độ sẽ phải nghĩ lại thôi. Những tay trống, đánh không biết mỏi thỉnh thoảng lại đứng ra làm nhạc trưởng: “Các bác ơi cùng hô vang Việt Nam nhé!” Lúc đầu là một góc khán đài, sau tiếng hô vang truyền đi khắp cả sân, cứ thế các Thượng đế làm nóng khán đài lên bằng tất cả những gì mình có thể với hy vọng lửa và nhiệt huyết sẽ truyền đến các tuyển thủ làm động cơ chiến đấu.

Sóng lại nổi lên trên khán đài dù đội tuyển Việt Nam bị dẫn bàn. Không biết các Thượng đế đã học và đã tập làm sóng từ lúc nào nhưng đúng là ai cũng ý thức với “nghĩa vụ” của mình cả. Cứ chờ đến lượt lại đứng thẳng người vung tay lên, miệng hét vang. Sóng người cứ cuộn lên đi vòng sân.

Ba bàn trắng ở hiệp một, giờ giải lao, nhiều thượng đế đã khan cả họng. Mồ hôi nhễ nhại rồi lại bảo nhau cố theo không thất vọng. Hôm ấy, có những kẻ cuốn cờ, bỏ trống về trước đã bị mắng là hèn, là không biết cổ vũ và chỉ ham vui. Nghe họ mắng nhiếc nhau lại thấy buồn rồi tự nhủ: “Giá mà thua ít hay giá mà có bàn thắng thì có phải đỡ không nhỉ…”.

“Thua rồi! thua thật rồi!”, nghe các fan than thở thấy thương làm sao! Nhìn những giọt nước mắt của các Thượng đế chảy dài lại thấy xót cho những người hết mình vì bóng đá chỉ vì một chữ thương. Có đôi nam nữ ngồi ôm nhau khóc thành tiếng. Tiếng nấc nghẹn của cô gái rung lên mặc cho anh bạn trai vỗ về an ủi. Vâng! Không dễ để có, để thấy và để cảm nhận được những hình ảnh ấy sau một thất bại bởi cái thiếu của những người như chúng tôi là thói quen hòa vào chiến thắng để tung hô thay vì cảm nhận được những giọt nước mắt đầy cảm xúc và đau đớn của Thượng đế.

Phía khán đài đối diện, những hàng ghế VIP vắng lặng. Dưới sân, các quan chức đang giận dữ sau một thất bại cũng có và an ủi cầu thủ cũng có. Một thế hệ đã qua đi và bây giờ mới là lúc để nhiều người tiếc nuối. Không biết có ai ân hận vì làm điều gì sai trái hay là nguyên nhân để xảy ra nông nỗi ấy không nhưng rõ ràng nhìn những giọt nước mắt chảy dài và những tiếng nấc của người hâm mộ trên sân thấy đau lắm! Những dải băng Việt Nam vô địch vẫn còn đó trên trán cácThượng đế và rung lên theo tiếng nấc nghẹn.

Trong dòng người ra về hôm ấy tôi nghe được nhiều tiếng thở dài than vãn. Có người bộc bạch cái sân “đen” quá từ khi xây xong đến giờ cứ vào trận nào quan trọng là lại thua. Có người hưởng ứng chuyện cúng sân và phải cúng cho thật thành kính. Có Thượng đế quay qua trách Liên đoàn, trách các quan chức nhưng rồi lại chặc lưỡi đổ cho cái “số !”.

Vâng! Thượng đế buồn thật nhưng thượng đế chẳng bỏ đi bởi trong họ chỉ xem đấy là một tai nạn của một năm không may.

Các thượng đế vẫn còn đó một niềm tin cho dù thời gian qua người ta đã vạch trần nhau, soi hết trách nhiệm, đùn đẩy hết các lỗi nhưng tôi tin các Thượng đế vẫn thứ tha và vẫn hy vọng. Niềm tin ấy có được bởi may mắn mình được hòa chung với mọi người, được cảm nhận bằng chính cảm xúc thật của Thượng đế.
Thượng đế buồn nhưng Thượng đế  chẳng bao giờ bỏ đi vì còn mãi một chữ thương…

Nguyễn Kim

Tin cùng chuyên mục