Một tuần ở với con gái trôi qua nhanh quá. Bắc Kinh đang lạnh thấu xương. Ở với con nhưng vẫn nhớ những bạn già trong nhóm tập buổi sáng. Giờ này, ở nhà chan hòa nắng buổi trưa và sớm thì mát dịu. Rồi ngày nọ, con gái phải đi công tác gấp. Sáng dậy không có con, thấy buồn, thấy vắng. Rồi nghe thấy tiếng nhạc vẳng lại, chợt nhớ ra rằng ngày nào cũng thắc mắc nhạc từ đâu? Thế là mạnh dạn bước đi tìm.
Bạn biết không, đó là một công viên lớn lắm. Công viên ở thủ đô này đẹp, thoáng nhờ vào mật độ cây xanh và hoa phủ dày đặc. Mặc dù thời tiết rất lạnh nhưng buổi sáng vẫn có rất đông người từ già đến trẻ. Nơi tiếng nhạc phát ra rộn rã nhất cũng là nơi tập dưỡng sinh của người cao tuổi. Các cụ lão thành không những khoan thai thể hiện những động tác uyển chuyển của Thái cực quyền mà còn nhảy theo những bài hát nghe rất vui tai.
Vốn tiếng Trung được học từ thời sinh viên giúp tôi khá dễ dàng bắt chuyện với một vài người. Ông Hồ Bằng, một giáo viên về hưu hồ hởi kể: “Những gì bà đang nghe chính là giọng hát của ông Bộ trưởng Văn hóa Thái Vũ. Ông ấy đã thu âm 60 bài hát nổi tiếng của Trung Quốc và tặng miễn phí cho các công viên”.
Ra là vậy! Giọng hát trầm ấm phát ra từ công viên mỗi sáng sớm mà tôi để ý từ lúc ở khu nhà gần công viên này là của ông Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc. Lòng thầm khen ông bộ trưởng “có tình”. Ngoài hàm ý muốn đem lại không khí tươi vui cho đám đông đến công viên vào mỗi sáng sớm, việc tự ông Thái truyền bá những bài hát nổi tiếng của Trung Quốc cũng là một phương thức lưu giữ một nền văn hóa âm nhạc lâu đời, giúp đem lại một “văn hóa dưỡng sinh” ở các công viên ở thủ đô Bắc Kinh.
Lọ mọ tra cứu trên Internet, kết quả cho thấy 85% các tỉnh ở quốc gia rộng lớn này đều có thư viện. 95% các thị trấn đều có nhà văn hóa trung tâm. Có đến 1.500 bảo tàng do chính phủ quản lý trải đều khắp Trung Quốc đều mở cửa miễn phí cho người dân. Còn những bảo tàng tư nhân thì được chính phủ trợ giúp kinh phí để mở rộng hoạt động. Với tỷ lệ 400.000 dân thì có 1 thư viện, Trung Quốc đang là một trong những nước châu Á đứng đầu về số lượng thư viện trên đầu người. Lại nhớ lại lời một người trong buổi tập dưỡng sinh nói: “Chủ trương của chính phủ là xây dựng một đất nước phát triển về kinh tế song song với phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho người dân tự nhiên hòa mình vào các sự kiện văn hóa mà không bị gượng ép, miễn cưỡng”. Âu đây cũng là một cách nghĩ hay, phải không bạn?
MỸ ANH