Thương tiếc người cán bộ tận tụy, dám nghĩ, dám làm

Chiều 14-2, nhiều vị lãnh đạo cấp cao, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành và hàng vạn người dân đến viếng, tiễn biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Từng đợt người lặng lẽ xếp hàng dài dưới cái nắng oi nồng để viếng, đưa tiễn người con quê hương...
Thương tiếc người cán bộ tận tụy, dám nghĩ, dám làm

Chiều 14-2, nhiều vị lãnh đạo cấp cao, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành và hàng vạn người dân đến viếng, tiễn biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Từng đợt người lặng lẽ xếp hàng dài dưới cái nắng oi nồng để viếng, đưa tiễn người con quê hương...

Người lãnh đạo vì dân

Theo chương trình lễ tang, phải đến 14 giờ 30 ngày 14-2 mới bắt đầu lễ viếng. Vậy nhưng, từ đêm 13-2, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đã đến nhà vị Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh để tiễn biệt ông. Con đường Cách Mạng Tháng Tám, nơi nhà riêng của ông, rộng 6 làn xe trở nên chật chội bởi lượng người đến viếng ông quá đông.

Dưới cái nóng - lạnh bất thường của thời tiết, những dòng người vẫn cứ lặng lẽ xếp hàng để chờ vào viếng. Giữa dòng người đông kín, một người phụ nữ có gương mặt khắc khổ bồng đứa con trai tật nguyền trên tay, đôi mắt ngấn lệ xin được vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Chị là Dương Thị Huệ, người có đứa con bị bệnh hiểm nghèo và được ông Nguyễn Bá Thanh giúp đỡ. Chị Huệ bảo: “Nghe tin bác Thanh mất là tui bồng con đến viếng để tri ân bác. Cách đây 6 năm, cũng trước cổng nhà 189 Cách Mạng Tháng Tám này, 10 giờ đêm tui gõ cửa xin bác Thanh cứu lấy gia đình tui. Và bác giúp, con tui được cứu sống nên chừ tui phải vào viếng để tri ân bác ấy”.

Người dân TP Đà Nẵng xếp hàng dài chờ vào viếng đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cụ Đặng Văn Long (70 tuổi, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đứng lặng lẽ dưới tán dù cùng một vòng hoa có dán chân dung và một tập sách viết về ông Nguyễn Bá Thanh để chờ vào viếng. Cụ Long cho biết, cụ là một trong những hộ dân nằm trong diện giải tỏa Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. “Người dân chúng tôi cảm kích trước tấm lòng vì dân của ông Thanh. Một vị lãnh đạo vì dân, vì nước mẫu mực. Nay đã vắng bóng ông Thanh rồi, người dân tiếc nuối lắm...” - cụ Long tâm sự.

Từ quê hương Hòa Tiến xa xôi, những người họ hàng, hàng xóm của ông Nguyễn Bá Thanh cùng rủ nhau ra viếng. Họ xếp hàng chờ tới lượt để vào viếng, tiễn biệt người con yêu quý của xóm làng đã rời xa.

“Tiễn biệt người đồng đội dám nghĩ, dám làm”

Ngay sau khi lễ viếng bắt đầu, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu đoàn Ban Tổ chức Trung ương đã đến đặt vòng hoa và viếng người đồng chí, đồng đội của mình. Đồng chí Tô Huy Rứa viết vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc, tiễn biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Đồng chí là người đảng viên, người cán bộ tận tụy, trung thành với sự nghiệp, người cán bộ năng động, sáng tạo, người đảng viên sâu sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, dám nghĩ, dám làm. Đồng chí cũng là người đồng đội thân thiết và gần gũi của chúng tôi. Tiễn biệt anh, chúng tôi vô cùng thương tiếc. Anh mất đi là tổn thất lớn không chỉ của gia đình mà còn là tổn thất không gì bù đắp được của bạn bè, đồng chí và đồng đội. Xin chia buồn sâu sắc với toàn thể gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh”.

Các cụ hưu trí CLB Thái Phiên (Đà Nẵng) vào viếng đồng chí Nguyễn Bá Thanh.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đến thắp cho “người em thân thiết” Nguyễn Bá Thanh nén nhang ly biệt: “Nguyễn Bá Thanh là con người của công việc, hết lòng lo cho dân, cho nước; con người năng động, sáng tạo trong chủ trương và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh vĩnh biệt chúng ta, nhưng những thành tựu làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt TP Đà Nẵng ngày càng hiện đại, khang trang, văn minh để được con cháu, dân tin qua nhiều thế hệ. Xin vĩnh biệt chú Nguyễn Bá Thanh - người đồng chí, người anh em thân thiết của tôi”.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến phúng viếng và viết vào sổ tang: “Tháng trước ra thăm Bá Thanh, vẫn còn hy vọng. Thế mà hôm nay Thanh đã ra đi để lại bao nỗi tiếc thương, đau xót cho anh em đồng chí. Bên ngoài, nhân dân, bạn bè đến viếng Bá Thanh đông lắm, Thanh có biết không? Có ai biết, trong đau thương lại có tự hào? Vĩnh biệt Thanh, người đồng chí, người bạn, người em thân thương”.

* Vào lúc 20 giờ 30 ngày 14-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến viếng linh cữu đồng chí Nguyễn Bá Thanh.

 
 
Chiều 14-2, UBND TP Đà Nẵng quyết định không tổ chức phun nước, phun lửa cầu Rồng và không tổ chức quay nhịp thông thuyền cầu Sông Hàn từ ngày 14-2 đến 19-2 (tức 26 tháng Chạp đến mùng 1 Tết). Hoạt động phun nước, phun lửa trên cầu Rồng được thực hiện trong các đêm 20, 21 và 22-2 (tức mùng 2, 3, 4 Tết) để phục vụ người dân và du khách. Cũng trong chiều 14-2, ban tổ chức lễ hội trình diễn ánh sáng đêm giao thừa xuân Ất Mùi ra thông báo tạm hoãn các hoạt động vui chơi giải trí trong dịp xuân mới và dời lễ hội trình diễn ánh sáng sang ngày 23-2, tức mùng 5 Tết.
 
 
 

NGUYÊN KHÔI

 >> Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương từ trần


Anh Thanh ơi!

Biết thế nào Anh cũng đi xa, nhưng tôi không nghĩ Anh đi vào giữa lúc mùa xuân đang gõ cửa từng mái nhà trên mảnh đất hình chữ S thân thuơng này.

Nhớ lại cách đây hơn 7 năm, khi tôi về làm Báo SGGP, chuyến công tác đầu tiên xa thành phố, tôi chọn đến văn phòng của báo ở Đà Nẵng. Tôi nói Trà Quốc Khanh, phụ trách Văn phòng đại diện Báo SGGP tại Đà Nẵng, trước hết đến thăm mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ - bà mẹ có 9 người con hy sinh vì đất nước, sau đó đến thăm Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Dù bận bịu công việc, anh Nguyễn Bá Thanh cũng dành cho tôi khoảng thời gian thân tình, ấm áp. Anh tiếp tôi ngay trong phòng làm việc riêng của anh.

Ông Nguyễn Bá Thanh tại buổi nói chuyện với cán bộ TP Đà Nẵng vào tháng 2-2012.

Đã nghe đến Nguyễn Bá Thanh rất nhiều, nhưng khi gặp, tôi không nghĩ chất lính trong Nguyễn Bá Thanh lại đậm nét đến thế. Quyết đoán và quyết liệt. Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe... phẩm chất của một người thực sự là đầy tớ của nhân dân lấp lánh trong cách nghĩ cách làm của Nguyễn Bá Thanh. “Đà Nẵng có nhiều lợi thế, sao lại thua kém các địa phương khác? Phải xắn tay áo lên mà làm mới có hiệu quả. Cứ làm đi. Có làm có sai. Sai thì sửa. Có gì phải ngại. Cái quan trọng nhất là vì dân vì nước, nhà báo ạ”, anh Thanh nói liên hồi. Giọng anh đầy tự tin và quyết đoán.

Anh chia sẻ với tôi những ý tưởng, dự án đang ấp ủ cho thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng và quyến rũ này. Nói gì thì nói, không lo cho dân là không xong đâu. Mà dân là ai chứ ? Trước hết là người nghèo, người gặp hoàn cảnh cơ nhỡ... Giọng anh Thanh trầm hẳn xuống: “Mình đang vận động xây dựng bệnh viện ung bướu cho người nghèo. Ông và Báo SGGP ủng hộ nhé?”. Cả phương châm xây dựng thành phố theo tiêu chí 5 không, 3 có, anh cũng cho tôi biết với những thông tin sâu kín nhất, như là chuyện đó chỉ có chúng tôi biết thôi.

Sau buổi làm việc, anh Thanh đưa tôi đi thăm một vòng thành phố. Thành phố bên sông Hàn về khuya thật huyền ảo, mộng mơ. Tôi ngỡ ngàng như mình đang lạc vào một xứ sở xa xôi nào đó, chứ không phải mảnh đất miền Trung nắng gió và khắc nghiệt này.

Đúng như anh Thanh nói, có làm có sai. Sai thì sửa. Cốt sao vì dân, vì nước. Ai cũng biết, để có một Đà Nẵng như ngày hôm nay, công sức của cả tập thể, nhưng vai trò của anh Nguyễn Bá Thanh rất lớn. Lời khen có và lời chê, cả sự nghi kỵ cũng có.

Nhưng cứ thấy đúng, hợp lòng dân thì khó mấy cũng phải làm. Nguyễn Bá Thanh trước sau như một kiên định con đường ấy. Và, chúng ta đã thấy, ai thực sự vì dân, vì nước thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhân dân tự xác tín. Từ khi anh Thanh rời Đà Nẵng ra nhận nhiệm vụ ở Trung ương, đặc biệt khi anh lâm trọng bệnh, tình cảm của nhân dân, rõ nhất là những người nghèo khó đối với anh đã là sự xác tín nhất. Nói là làm. Nghĩ sao nói thế. Nhớ lại khi anh chuẩn bị ra Hà Nội nhận công tác, nói chuyện với tôi, anh bảo, việc khó đấy. Nhưng thấy khó mà không nhận thì ai làm đây. Phải dấn thân thôi, nhà báo ạ.

Và, cuộc dấn thân của anh chưa kịp thể hiện mình, đã gặp biết bao trắc trở...

Khi mùa xuân đang gõ cửa, khi thành phố bên bờ sông Hàn lảng bảng sương mờ đang rộn rã vào xuân, gió vẫn hú trên đỉnh Bà Nà, trên bán đảo Sơn Trà... thì Nguyễn Bá Thanh vội vã ra đi. Người dân Đà Nẵng thật chí tình chí nghĩa, trong giờ phút đau thương mất mát này đã đề nghị chính quyền thành phố thôi bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán. Nguyện vọng chính đáng của người dân đã được đáp ứng. Một việc làm khiến khóe mắt ta nhòe đỏ. Mùa xuân đến thì anh Nguyễn Bá Thanh ra đi. Bao khát vọng, ý tưởng vì dân, vì nước trong anh vẫn chưa thực hiện trọn vẹn. Anh Thanh ơi, dẫu biết là như thế, nhưng anh hãy yên lòng nơi chín suối. Những khát vọng, ý tưởng của anh nhất định sẽ thành hiện thực. Thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng này như ngôi sao sẽ mãi mãi lung linh. Những người thợ đánh giày, xe ôm, những người nghèo, cơ nhỡ và tất cả chúng tôi không bao giờ quên anh- một người đầy tớ của nhân dân, đúng với nghĩa trân trọng nhất mãi mãi cùng chúng tôi trên hành trình tới đích.

TPHCM, 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ.

TRẦN THẾ TUYỂN

Thông tin liên quan

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương từ trần 

Tin cùng chuyên mục