Ngày 25-5, tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng tại Stockholm, Thụy Điển, và một số khu vực lân cận, nơi có đa số người nhập cư sinh sống. Đáng chú ý hơn, bạo động lại lan tới TP Oerebro, nơi được coi là địa điểm nghỉ dưỡng thanh bình nhất của Thụy Điển, cách thủ đô 160 km về phía Tây.
Bắt nguồn từ sự bất mãn
Theo Sky News, nhiều cửa hàng tại Stockholm bị đốt phá. Hàng chục thanh niên đeo mặt nạ đã xuống đường đốt phá ôtô, trường học và tấn công một đồn cảnh sát gần đó. Chính quyền Anh và Mỹ đã cảnh báo các công dân không nên đi tới những điểm nóng này. Cảnh sát Stockholm phải kêu gọi hỗ trợ từ các TP Malmo và Gothenburg. Lực lượng cứu hỏa được điều động đến 70 địa điểm tại Stockholm để dập các đám cháy. Cảnh sát đã bắt giữ 13 người, tuổi từ 17 đến 26, tình nghi là thủ phạm khởi xướng các vụ bạo động. Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp.
Bạo động tại Thụy Điển bắt nguồn từ vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông 69 tuổi tại thị trấn ngoại ô Husby trước đó ít lâu, làm dấy lên những chỉ trích về tình trạng bạo hành của cảnh sát. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, một trong những nguyên nhân sâu xa khác là sự bất bình đẳng giữa nhóm người giàu chiếm đa số và những thanh niên nhập cư thiểu số. Ông Rami Al-khamisi, đồng sáng lập tổ chức xã hội Megafonen cho rằng khoảng cách kinh tế và xã hội ở Thụy Điển đang ngày càng nới rộng giữa những người nhập cư và người dân bản xứ. Thụy Điển có mức sống của người dân thuộc hàng cao nhất châu Âu, nhưng nhiều chính phủ kế tiếp nhau đã không thể cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, vốn ảnh hưởng mạnh nhất lên người nhập cư chiếm khoảng 15% dân số.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trong một thập kỷ qua, chính sách nhập cư mở rộng của Thụy Điển đã đón hàng trăm ngàn dân nhập cư đến từ Iraq, Afghanistan, Syria, Somalia, các quốc gia vùng Balkan… Khi đặt chân đến quốc gia có mức sống cao như ở Thụy Điển, rất nhiều người trong số dân nhập cư này lại cảm thấy khó hòa nhập, gặp khó khăn trong giao tiếp vì không học tiếng bản địa và không tìm được công việc ổn định do không có trình độ.
Đợt bạo loạn tại Thụy Điển không nghiêm trọng như từng xảy ra ở Pháp và Anh vào hai mùa hè trước. Nhưng là tiếng chuông cảnh tỉnh rằng ngay cả ở những nơi ít chịu tác động của đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu thì người nghèo, đặc biệt là người nhập cư cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Quy mô bạo động ở Stockholm không có người bị thương. Tuy nhiên, với việc hơn 100 ô tô bị đốt cháy trong tuần qua cũng đủ gây sốc cho quốc gia vốn nổi tiếng là an toàn và thanh bình. Bên cạnh đó, các cuộc bạo loạn đã gây sự phân cực gay gắt giữa nhóm người khá giả và thiểu số thường là những người trẻ tuổi có nguồn gốc nhập cư. Cuộc bạo loạn này cũng cho thấy Thụy Điển, đất nước tránh khỏi vòng xoáy của khủng hoảng nợ công và khủng hoảng tài chính tại châu Âu cũng dễ dàng trở thành nạn nhân tiếp theo của những vụ bạo động của những người nhập cư trẻ, khi không giải quyết được tình trạng thất nghiệp, vốn làm gia tăng nhiều mâu thuẫn trong xã hội.
THANH HẰNG (tổng hợp)