Sông Gianh đủ dài để mọi người biết ở Quảng Bình nhưng cũng đủ khổ đau của sâu thẳm mấy trăm năm phân tranh. Và sau bao dâu bể, một vùng đất thùy dung giản dị sinh thành châu thổ quanh nó thật hiền từ và lộng lẫy giữa trời mây. Nhiều câu chuyện giải hòa trong ngoài được kể lên hai bên bờ giản dị để ngày nay, lằn ranh nơi này hòa vào nhau không mờ phai.
1. Có đi trong trầm tích dòng sông và lòng người sông Gianh mới thấy phần nào đó dung hòa của những câu chuyện dân gian nơi này. Con nước mà ngày xưa Trịnh-Nguyễn tạo ra biệt ly đau khổ, khi hai bờ không còn cảnh chiến chinh, nhiều câu chuyện chung vui của cư dân hai bên xóa đi khoảng cách mặc cảm, lòng thủy chung được vun lên cho đến ngày nay để hậu thế biết cha ông trước đây đối đãi với nhau đầy hiếu nghĩa.
Tôi tin câu chuyện truyền khẩu về bánh đúc Quảng Hòa và các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn là câu chuyện đầy nhân văn. Xưa, hai bờ sông Gianh là biên giới tao loạn, bờ bên này khó qua bờ bên kia bởi hai họ chia sẻ non sông cho lòng người dâu bể phân tranh. Nhưng khi nước non hết cảnh đó, con người dung dị qua lại với nhau bằng những sản vật quê mùa mà đầy chất thuốc thang đoàn viên. Quảng Hòa hay các xã vùng Nam Ba Đồn có món ăn thu hút mọi người, lạ lẫm với thập phương lui tới. Ấy là món bánh đúc, chắt từ gạo lúa trồng ở vùng sâu trũng sông Gianh, nơi đó mồ hôi cuộn mặn thành hạt, sức người dầm mình tái tê mới có cái ăn đủ sức sinh tồn. Bữa hết phân ra giới tuyến, những xóm làng dung dị cũng làm bát cơm hòa giải đôi bờ. Cũng bởi, sống trong vùng thì có người bên này, kẻ bên kia diệt Trịnh phù Nguyễn mà có xích mích tương tàn. Nhưng lòng người sông Gianh là lòng dân phên dậu, phải xóm làng đôi bờ hòa thuận thì đất làng mới có hiếu nghĩa với người thủy chung.
Xưa đó, có hai dòng họ cũng phục dịch hai nhà Trịnh-Nguyễn, nhưng khi phân tranh xong, hai dòng họ ở vùng Nam sông Gianh đó không muốn truyền đời oan kiếp thù hằn, bậc trưởng thượng muốn dạy cho cháu con phải hòa hiếu để dựng làng bên mé sông quanh năm đối mặt nước nôi được mạnh mẽ, mùa đông tối lửa tắt đèn có nhau khi con nước lên, phải chấm dứt cảnh rầy la nhau dằng dai trong lòng. Món bánh đúc được đưa ra, họ giải thích, đúc ở đây là đúc lại con người, đúc lại lòng dạ, đúc lại nghĩa tình, đúc lại xóm làng, đúc lại đất đai hương hỏa, đúc lại tình khai canh của tổ tiên, đúc lại khí phách nhân văn. Bữa cỗ giảng hòa hai họ bên bờ sông Gianh xưa ấy là bữa cỗ đúc lại tình cảm, toàn món bánh đúc được đưa ra, con em hai họ cùng ăn và thề mãi với nước sông Gianh là không bao giờ miệt thị, tranh công, hằn thù nhau nữa.
Ấy là truyền khẩu mà mệ Phúc kể cho tôi nghe trước bếp bánh của mệ ở ngôi chợ nhỏ ven sông. Mệ cũng giải thích, bữa đoàn viên ấy con gái dòng họ cũng soạn mâm bánh gọi là bánh xèo làm từ gạo, chiên lên, tiếng mỡ cháy cùng giá đỗ, tôm sông nghe "xèo" mà người ta bảo thế là mọi việc trôi chảy xèo xèo, từ nay con gái của hai dòng họ này cũng phải vui vầy bảo ban nhau cho con cháu ngưỡng vọng. Mệ Phúc bảo: "Bánh mà đúc lại con người, làm được nết nhắc nhở nhau, hòa thuận nhau cũng đáng bánh của tổ tiên rồi". Sông Gianh từ đó mà hợp hòa hai bờ như một, bánh đúc không chỉ bán phía bên kia sông mà còn nhập vùng Ba Đồn, lan ra cả huyện Quảng Trạch cho cuộc níu kéo khách khứa phương xa.
Sông Gianh (Quảng Bình)
2. Một người bạn ở Quảng Trạch rủ tôi về chơi, mỗi bận ghé thăm vùng đất có danh địa Đèo Ngang là mỗi lần lạ lẫm với món cháo canh Ba Đồn. Món cháo mà mấy trăm năm trước có cả câu chuyện truyền khẩu nhớ thương đôi lứa.
Ấy là vào một bữa mùa đông, khi miền đàng Trong đàng Ngoài còn phân tranh, dòng sông Gianh là giới tuyến. Một người lính canh đồn bên mô đất sông Gianh của nhà Trịnh đã ngã lòng một người con gái phía bờ Nam nhà Nguyễn. Người con gái vốn dòng dõi của một thuyền ngư dân đánh bắt trên biển, tuy là chia giới tuyến, nhưng buôn bán hoặc đánh bắt vẫn cứ giao thoa nhau. Phía Nam sông Gianh có món cháo canh vẫn thường được đưa về bán cho các đồn ở bờ Bắc, lính lệ vừa ăn vừa thổi trên những chiếc thuyền nhỏ ven trảng cát, chén ăn vội vàng cũng là sợ quan cai phát hiện mua đồ phía Nam, cũng là sợ lệnh trên phạt nặng vì lơ là canh phòng.
Nhưng sương khói của bát cháo cứ quấn lấy lòng người phía Bắc, một lính canh đã phải lòng người con gái bán bát cháo canh rày đây mai đó bên mom sông. Và rồi họ cũng ở với nhau, làm lễ lại qua, nhưng khi biết chuyện, họ lại bị cấm thủy chung, người phía Trong không được cưới người phía Ngoài, hơn nữa là lính canh phòng của nhà Trịnh. Khóc hết nước mắt, đôi trai gái ở miền thảo dã biên thùy chỉ xin cùng ở lại phía Bắc một đêm. Cũng vì nghĩa tình, cai lính đã cho phép cô gái thả neo phía ngoài đồn, đêm đó thuyền nổi lửa to hơn thường lệ. Thì ra cô gái nấu một nồi cháo thật lớn để đãi cả đồn lính canh. Món cháo cô thường nấu là cá từ sông Gianh đánh bắt được, nhưng hôm đó, đã có suy nghĩ thoáng qua, nấu cháo cá của dòng sông này, lỡ ai hỏi bắt cá phía nào cũng là ủ ê khó nói. Vậy nên cô gái mua cá của ngư dân đánh bắt từ phía biển để dùng cho bát cháo tiễn chia.
Bữa sáng, chị dọn từng bát cháo trên mẹt lá, mời những người lính phía đồn của chúa Trịnh bên mô đất sông Gianh. Họ xì xụp ăn, cái vị lạ, nồng thơm mùi biển, có người hỏi sao không thấy món cá sông Gianh, có người hỏi cá biển bắt đàng Trong hay đàng Ngoài, người con gái vô danh ấy chỉ nói một câu: “Cá ở biển thì làm sao phân biệt được đâu là cá đàng Trong, đâu là cá đàng Ngoài. Cá của biển cũng là biển của quê cha đất tổ. Mời các thầy đội cùng ăn”. Không ngờ câu nói đó, những người lính quý thương tấm lòng, đã xin cho người con gái phía đàng Trong làm dâu người lính canh phải lòng, nhưng với một điều kiện, anh phải giải ngũ. Từ đó, họ về phía sau, mở món cháo canh, vừa thiết đãi anh em vừa để bán cho người đi chợ tụ hội về Ba Đồn. Ấy là tích chuyện truyền ngôn, nó có bao nhiêu sự thật thì không định danh, nhưng đó là một tấm lòng cảm hóa và yêu nước khi nói về con cá biển là gốc của hương hỏa cha ông.
3. Sông Gianh đủ dài để mọi người biết ở Quảng Bình. Nó chảy từ cái núi Co Pi cô đơn trên rặng Giăng Màn rồi vươn vai sâu dưới những đáy vực của quê hương anh em Khùa, Mày, Mã Liềng, Rục... trên cao nguyên Minh Hóa sau đó ưỡn ngực hứng nước qua đất rẻo cao Tuyên Hóa. Dòng nước du mục ra biển Đông này còn tiếp nhận sắc lạnh giọt chảy của sông Son trứ danh từ rặng Kẻ Bàng đổ về. Nguồn nước của nó chỉ chảy qua duy nhất một tỉnh Quảng Bình, nhưng tinh hoa đất trời trong con sông này đều có cả. Thậm chí bao nhiêu loài có mặt trong sông Gianh thì ở nhiều sông khác không có được. Chắt chắt là loài mà nhiều nơi gọi là hến, nhưng chắt chắt sông Gianh nó có vị đậm đà của con nước triều cường biển Đông, lại có vị ngọt của trầm tích cát bồi, đất sét ở đáy sông mà khi nấu nó ngào lên mùi vị da diết đến cháy lòng thắt nhớ những bãi bồi bên sông.
Chắt chắt là món ăn cho bữa đoàn viên bạn bè về với con sông chùng chằng giữa châu thổ của nó. Dòng sông lúc khúc gấp, lúc rướn lòng đón đợi ai đó. Có đoạn hình thể của nó như chìa tay ôm ấp một ai muốn về với mảnh làng bên trong, có đoạn như chia tay người nào đó dấn thân ra khỏi đất đai hương hỏa để lập nghiệp. Có đoạn như hào sảng đãi đằng bạn bè về giữa lòng ngược ngàn trên thuyền rong chơi thỏa thích. Có nơi nước sông như muốn bung vỡ tất cả, phá cách tất cả, khí khái tất cả nhưng những rặng núi cứng vẫn đủ sức uốn nắn nó theo mạch chảy hình thành. Và chắt chắt là một trong những món đãi đằng đó, nó lạ miệng với khách khứa muôn nơi, trong Nam ngoài Bắc hay bè bạn ngoài nước về đây.
Ăn một miếng chắt chắt xào từ nước sông Gianh như dậy lên tiếng người xưa bảo ban chung thủy, ăn miếng nữa như thấy bao dâu bể dòng sông đặm cay cùng ớt, cùng mặn mòi sương gió, ăn một lần phải ăn lần nữa, ăn lần nữa thì nhớ mãi chắt chắt sông Gianh khi có cơ hội thương về nó. Người ven sông Gianh nghĩ bao tinh túy của dòng sông đầy bi tráng này đều nằm ở con chắt chắt, nó chắt ra hết những gì lòng dạ con sông mà lấy đó đãi đằng, lấy đó khách khứa. Bao của ngon vật lạ mà không đoàn viên được cũng chả ích gì bằng món chắt chắt dung dị. Con sông đã từng bao năm mộng mị phân tranh, nhưng rồi những món ăn quê mùa đã bảo ban được lòng người, quả là một dòng sông thùy dung.
MINH PHONG