Nước Anh đang hoàn tất những thủ tục cần thiết để kích hoạt tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Nhưng cảm giác tiếc nuối là không thể tránh khỏi khi người dân xứ sở sương mù cảm thấy mất đi những giá trị mà EU mang lại. Cảm giác này phát sinh ngay từ sau cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng 6-2016. Trong nhiều năm, những suy nghĩ hoài nghi của những người chống EU không tin rằng EU có thể là nền tảng cho một siêu nhà nước như một liên bang của Mỹ. Một trong những khác biệt là do sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa trong EU. Nhưng dù muốn hay không, EU đã và đang là một khối có mối quan hệ ràng buộc với nhau. Theo tờ The Guardian, sau cuộc bầu cử Mỹ và sự trỗi dậy của nhiều nhà chính trị theo trường phái cực hữu và dân túy ở châu Âu như Marine Le Pen ở Pháp, Geert Wilders ở Hà Lan… càng khiến nhiều người Anh cảm thấy tiếc nuối cho Brexit.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Mặt trận dân tộc cho rằng, nước Anh đang tiến về phía trước mà không bị EU “chĩa con dao vào mạn sườn”. Nhưng theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và sẽ tiếp tục làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba, thất bại của ứng viên cực hữu Geert Wilders trong cuộc bầu cử này cho thấy, sau Brexit và hiện tượng Trump ở Mỹ, cử tri Hà Lan đã chống lại “kiểu chủ nghĩa dân túy sai lầm”.
Theo một cuộc thăm dò do báo Anh Mirror tiến hành hồi tháng 2 vừa qua, nếu cuộc trưng cầu Brexit được tổ chức một lần nữa, kết quả sẽ ngược lại với 51% người ủng hộ Anh ở lại trong khi 49% ủng hộ Anh rời EU. Ngoài ra, có 25,8% cảm thấy kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May không mang lại tương lai tích cực cho nước Anh, trong khi chỉ có 21,3% tin sẽ tích cực hơn.
Quốc hội Anh hiện đã hoàn tất phê chuẩn thủ tục Brexit, vấn đề kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon chính thức đưa nước Anh rời EU chỉ còn chờ Thủ tướng Theresa May quyết định. Mặc dù vậy, nếu Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào với EU (Brexit cứng), hậu quả kinh tế sẽ nặng nề hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung vẫn chưa tăng trưởng chắc chắn. Bên lo lắng nhất chính là Trung tâm tài chính London. Tháng 10-2016, sau khi Thủ tướng Theresa May đưa ra tín hiệu Brexit cứng trong cuộc họp thường niên của đảng Bảo thủ, đồng bảng Anh đã giảm giá mạnh. Các nhân vật chủ chốt của Chính phủ Anh nhiều lần tỏ thái độ mơ hồ về thị trường chung, cố gắng tránh làm cho trung tâm tài chính hoang mang. Trong khi đó, rất nhiều thành phố khác của châu Âu như Frankfurt, Paris, Dublin, Luxembourg, Amsterdam đều muốn thay thế London để trở thành trung tâm tài chính của châu Âu.
Cảm giác nuối tiếc với Brexit không chỉ tồn tại ở Anh mà ngay cả Tổng thống Pháp cũng có cùng cảm tưởng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Guardian của Anh và 5 tờ báo khác ở châu Âu hôm 8-3, ông Hollande cho rằng, Anh sẽ không thể trông đợi việc tiếp tục thụ hưởng những lợi ích như khi còn là thành viên EU. Theo ông, nước Anh muốn tách khỏi EU để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ nhưng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang “hướng nội”. Vì vậy, ông cho rằng “Anh đã có một sự lựa chọn tồi tại một thời điểm không thuận lợi. Tôi tiếc cho điều đó”.
KHÁNH MINH