Tiếc thương thầy giáo, nhà báo Kiều Phan

Nhà báo Kiều Phan (Kiều Công Tiễn - Báo SGGP) đã an nhiên về cõi vĩnh hằng sau thời gian kiên cường chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Nhận được tin, những bạn bè và đồng nghiệp một thời gắn bó với anh không khỏi hụt hẫng, cùng nhắc nhớ ký ức về một thầy giáo, nhà báo nặng lòng với giáo dục.
Nhà báo Kiều Phan
Nhà báo Kiều Phan

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Một nhà báo quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp GD-ĐT

Nhận được tin anh Kiều Phan từ trần, bạn bè anh và đồng nghiệp nhà giáo một thời đã gắn bó với anh rất đỗi bất ngờ, hụt hẫng và tiếc thương!

Suốt thời gian cầm bút, anh Kiều Phan đã thể hiện là nhà báo có tâm và am hiểu sâu sắc hoạt động của ngành giáo dục và nhà trường. Thông tin anh đưa chuẩn xác và kịp thời; vấn đề anh nêu, phân tích và bình luận khá sâu sắc và thuyết phục.

Giáo dục và đào tạo TPHCM trong thời gian 10 năm đầu của thế kỷ này là giai đoạn cao trào của đổi mới, những cái mới tiến bộ chưa hình thành trọn vẹn, những cái cũ lạc hậu chưa hoàn toàn mất đi, tạo ra những phức tạp trong dư luận về giá trị giáo dục ở mọi khía cạnh, nhưng nhà báo Kiều Phan đã rất trách nhiệm và bản lĩnh nói lên được sự thật, định hướng công luận theo hướng tích cực và tiến bộ.

Đặc điểm nổi bật của Kiều Phan là thông minh, trách nhiệm, gần gũi, chia sẻ và chân thành. Và, đây chính là những phẩm chất mà bạn bè đồng nghiệp luôn nhớ mãi về anh.

Thầy LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM: Người luôn hết lòng với ngành giáo dục

Được tin anh Kiều Công Tiễn (nhà báo Kiều Phan) qua đời, tôi thật bàng hoàng. Nhà báo Kiều Phan luôn hết lòng với ngòi bút của mình và góp sức vào sự phát triển của ngành GD-ĐT TPHCM.

Chương trình Giáo dục năm 2000 khi thay sách giáo khoa, thay đổi cách đánh giá xếp loại học sinh tiểu học cũng dấy lên làn sóng về những ý kiến khác nhau. Có động viên nhưng có nhiều bài phê phán, hay chê bai. Anh Kiều Phan thường gặp tôi tìm hiểu, trao đổi cặn kẽ và anh cũng đóng góp nhiều bài rất sâu sắc khi tìm hiểu thật thấu đáo vấn đề. Nhiều việc, anh đề nghị tôi nên xem lại chỗ này, phát huy chỗ kia, nghiên cứu điều chỉnh để làm sao cho hợp lý.

Nay nhận tin anh - một nhà báo đã viết và đóng góp cho giáo dục TPHCM nhiều điều tốt và hay, xin có vài dòng như một nén hương tiễn anh yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

Nhà báo Mai Lan (Báo SGGP): Kiều Phan - Nhẹ bước thong dong!

Từ thầy giáo mô phạm chuyển qua vai trò nhà báo đầy xông xáo, “có bao giờ ông thấy mệt mỏi không?”, tôi từng hỏi như thế. Vẫn nụ cười giòn tan, Kiều Phan dí dỏm: “Mệt thì có, mỏi thì không. Vì tôi vẫn làm giáo dục mà. Giáo dục như dòng máu chảy trong người mình rồi, nó nuôi dưỡng tư duy của mình, làm sao mà bỏ được”.

Và rồi Kiều Phan có mặt trên mọi “điểm nóng” của giáo dục. Từ chuyện cộng điểm lý lịch khi tuyển sinh đến những vấn đề học phí, chương trình học quá tải... đều được Kiều Phan phản ánh từ thực tế cơ sở. Tiếng nói của học sinh, của người thầy và của cán bộ quản lý tại cơ sở thường xuyên được phản ánh trên Báo SGGP.

Trong sự chuyển mình của ngành giáo dục hôm nay, có một thời người thầy - nhà báo Kiều Phan đã năng nổ góp chung tiếng nói phản biện với mong muốn ngành ngày một tốt hơn. “Phản biện không phải là ghét bỏ, mà là yêu thương ở tầm cao” - mỗi khi có bài đặt ra một vấn đề nào đó cần sửa chữa của ngành giáo dục, Kiều Phan luôn ray rứt tự nhủ như vậy.

Kiều Phan đã đi trọn lời hứa của một người thầy, một nhà báo gắn bó với nền giáo dục nước nhà, với tờ báo yêu thương của mình. Thôi thì..., hãy thong dong mà an nghỉ nhé Kiều Phan! Còn chăng là những người ở lại luôn nhớ về Kiều Phan với lời yêu thương để lại:

“Sống sao cho vẹn kiếp người

Để mai còn đọng một trời yêu thương!” - (Kiều Phan)

Chị Lê Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng Ban CTBĐ - CTXH, Báo SGGP: Thắp tiếp lửa nhiệt huyết từ trái tim anh!

Vốn là phóng viên nhiều năm lăn lộn với mảng giáo dục, rồi được phân công, điều động sang những công việc khác: biên tập viên; phụ trách Trung tâm Phát hành; Chánh Văn phòng Báo SGGP; tổ chức các chương trình xã hội - từ thiện... anh luôn dành hết tâm huyết, kinh nghiệm, nỗ lực của bản thân và các mối quan hệ vào từng chi tiết nhỏ. Các chương trình mà anh cùng đồng nghiệp tổ chức đều mang đậm ý nghĩa nhân văn và được cộng đồng, xã hội ghi nhận. Nhà búp bê (giải A công trình tập thể - Giải Báo chí TPHCM lần thứ 25 năm 2007), Văn hay chữ tốt, Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo, Thư xuân cho biển đảo,… nằm trong số những niềm tự hào của anh. Nhiệt tâm, xông xáo từ khi còn trẻ, đến tuổi xế chiều, anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho chúng tôi trước những khó khăn, thử thách của công việc.

Lửa nhiệt huyết từ trái tim anh, từ tấm lòng anh, chúng em sẽ thắp tiếp trong trái tim mình! Bay đi nhẹ nhàng, anh Kiều Phan nhé!

Nguyễn Kim Đính, nguyên Biên tập viên Báo SGGP: Thương lắm, một người bạn, người anh, người thầy

Tôi và anh Kiều Phan cùng tuổi, đều xuất thân từ nhà giáo rồi bước vào nghề báo. Kiều Phan vào nghề báo trước tôi. Ngày ấy tôi là cán bộ Phòng Giáo dục Gò Vấp, Kiều Phan là nhà báo chuyên viết về mảng giáo dục, cả hai thân thiết như hai anh em ruột.

Kiều Phan dẫn dắt tôi vào nghề báo, chỉ dẫn tôi rất tận tình. Từ Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, tôi chuyển sang công tác tại báo Giáo Dục TPHCM, rồi theo anh về công tác tại báo SGGP.

Tính tình anh bộc trực, yêu ghét rõ ràng, nhưng cũng tinh tế, lãng mạn. Anh luôn yêu gia đình và đầy nhiệt huyết với nghề.

Những ngày cuối đời, Kiều Phan rất mệt nhưng vẫn thản nhiên, chịu đựng những cơn đau do căn bệnh quái ác gây ra.

Thanh thản ra đi Kiều Phan nhé. Tiếc thương lắm, một người bạn, người anh, người thầy…

Tin cùng chuyên mục