Vĩnh biệt PGS-TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia cổ nhân học

PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, một gương mặt uy tín trong giới khảo cổ học và nghệ thuật Việt Nam đã qua đời vào sáng 6-5 tại Hà Nội, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày. Ông hưởng thọ 84 tuổi.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia đào mộ cổ
PGS-TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia đào mộ cổ

Sinh năm 1941, là con thứ tư của cố NGND Nguyễn Lân, ông để lại dấu ấn sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cổ nhân học, âm nhạc và hội họa. Trong hơn nửa thế kỷ gắn bó với khảo cổ học, ông được coi là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học, từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ tại Việt Nam với con số kỷ lục 1.093 cá thể.

Ông chủ trì nhiều đề án quốc gia quan trọng, trong đó nổi bật là các công trình phục chế và tu bổ nhục thân thiền sư tại các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn, chùa Phật Tích... những di sản văn hóa Phật giáo có giá trị lớn về tâm linh và lịch sử.

Bên cạnh khảo cổ, PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn là một nhạc sĩ tài hoa. Ông từng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony. Trong lĩnh vực sáng tác, ông có gần 100 tác phẩm, trải dài từ ca khúc trữ tình, thiếu nhi đến nhạc hợp xướng.

Những tác phẩm như Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo... đã góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc nước nhà. Ông từng chia sẻ rằng, sau những chuyến đi khảo cổ xa xôi đầy bụi bặm, việc trở lại Hà Nội, khoác áo đuôi tôm, đứng trên sân khấu hợp xướng là khoảnh khắc ông thực sự được sống với chính mình.

Ông còn là một họa sĩ đam mê sáng tạo. Bắt đầu vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962, ông để lại nhiều tác phẩm giá trị, trong đó đáng chú ý là cuốn sách Bộ xương nói với bạn điều gì?, tập hợp 320 hình minh họa bộ xương người do chính ông thực hiện.

Sự ra đi của ông là một mất mát lớn không chỉ đối với ngành khảo cổ học mà còn với âm nhạc, mỹ thuật và nền học thuật Việt Nam.

Theo nhà văn Phạm Việt Long, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, người lan tỏa năng lượng tích cực qua khoa học và nghệ thuật. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn “phóng xe phăng phăng”, vẫn đều đặn đi dạy, viết sách, vẽ tranh, sáng tác nhạc và truyền lửa cho lớp trẻ. PGS-TS Nguyễn Lân Cường sống trọn vẹn như cách ông nhìn về những bộ xương cổ: không phải là biểu tượng của cái chết, mà là ký ức sống động về sự tồn tại.

Ông không chỉ là nhà khoa học, nghệ sĩ hiếm có, mà còn là một người yêu đời, yêu người, luôn mang đến niềm vui và cảm hứng cho những ai từng gặp ông. Ông là minh chứng cho một cuộc đời mà khoa học và nghệ thuật không hề đối lập, mà bổ sung cho nhau để làm nên một con người viên mãn, sống với đam mê, sống để cống hiến và truyền cảm hứng cho cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục