Người “lính già” học thuật
Khi nghe tin Giáo sư Phạm Quang Hưng qua đời, TS Nguyễn Xuân Xanh đã bày tỏ tiếc nuối về sự ra đi của một nhà khoa học tài năng. "Sau những người “lính già” trên mặt trận khoa học, học thuật Việt Nam như Cao Huy Thuần, Chu Phạm Ngọc Sơn, Võ Tòng Xuân, nay đến Phạm Quang Hưng ra đi!… Việt Nam sẽ vẫn tưởng nhớ đến Anh, cùng các bạn chiến đấu thế hệ trước, cho một nước Việt Nam phát triển, tươi sáng và hạnh phúc!”, TS Nguyễn Xuân Xanh xúc động viết.
Chỉ cách đây ít tháng, chúng tôi vẫn còn được ngồi trò chuyện với GS Phạm Quang Hưng tại Trung tâm ICISE của GS Trần Thanh Vân. Lúc ấy, do đang chiến đấu với căn bệnh quái ác kéo dài nên GS Hưng khá yếu phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng khi đề cập đến vật lý hạt thì ông khiến chúng tôi bất ngờ vì lửa nghề và bầu nhiệt huyết bất tận.
Khi ấy, ông tâm sự: “Ở tuổi này (74 tuổi - PV) khi đã nghỉ hưu ở Đại học Virginia (Mỹ), nhiều người hỏi tôi đã nghỉ ngơi chưa, nhưng tôi lại thấy mình còn khỏe khoắn lắm. Tôi thấy mình như trẻ lại và có thêm nhiều năng lượng để tiếp tục lao vào nghiên cứu những vấn đề còn bỏ dở. Tôi còn phải học nữa học mãi vì có rất nhiều thứ tôi chưa biết…”.
GS Phạm Quang Hưng sinh năm 1950 tại Ninh Bình, lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học UCLA (University of California). Năm 32 tuổi, ông đến Đại học Virginia (Mỹ) để làm việc, nghiên cứu và lấy bằng giáo sư và gắn bó ở đây.
Sự nghiệp của GS Phạm Quang Hưng gắn với nhiều phát hiện, “tiên đoán” mới trong vật lý hạt - trong đó nghiên cứu gây tiếng vang của ông tại Trung tâm Vật lý hạt Fermilab (Mỹ) khi ông “tiên đoán” về sự cân bằng giữa khối lượng hạt Higgs và khối lượng hạt quark đỉnh trong sự định hình của vũ trụ (công bố năm 1979) đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngoài ra, ông còn gây tiếng vang bởi các nghiên cứu, phát hiện mới về thuyết Hợp nhất nhỏ giữa 3 lực (yếu, mạnh và điện từ) và mô hình đơn cực từ (Magnetic Monopoles)… được đồng nghiệp đánh giá cao, có khả năng thực nghiệm tìm ra thêm các hạt cơ bản.
Nhiều đóng góp, dự định với quê hương
Tại quê nhà Việt Nam, GS Phạm Quang Hưng đã có nhiều đóng góp to lớn, dẫn dắt nhiều thế hệ sinh viên vật lý trong nước vươn ra thế giới. Từ năm 2006, ông là điều phối viên chính thức từ Đại học Virginia trở về Việt Nam để thực hiện Chương trình Vật lý tiên tiến của Đại học Huế do Bộ GD-ĐT triển khai. Tại chương trình này, GS Hưng đã có nhiều sáng kiến giúp tiết giảm kinh phí, thời gian để mời các giáo sư, nhà khoa học lớn ở Mỹ và các nước về giúp đỡ sinh viên vật lý Việt Nam.
Nhờ vậy, chương trình đã đào tạo trên 200 sinh viên vật lý ra trường, 1/3 số này tiếp tục ra nước ngoài du học cao hơn. Trong đó, nhiều nhà nghiên cứu trẻ từ “lò” đào tạo của GS Phạm Quang Hưng đã rất thành công trên các “mặt trận” khoa học thế giới như: TS Trần Văn Quế (nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan), TS Trần Văn Ngọc (Đại học Kyoto, Nhật Bản), GS Nguyễn Thị Diện đã xuất sắc lấy bằng Giáo sư tại 1 đại học danh giá ở Mỹ…
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, chia sẻ, năm 2004 GS Phạm Quang Hưng đã trở thành thành viên của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam. Từ đó, ông có rất nhiều hoạt động thiết thực hướng về Việt Nam, trong đó ông kết nối các nhà khoa học lớn trên thế giới để tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về vật lý hạt, lý thuyết dây và vũ trụ học...
TS Trần Văn Ngọc (Đại học Kyoto, Nhật Bản) là sinh viên khóa đầu tiên Chương trình Vật lý tiên tiến ở Huế chia sẻ, bên cạnh công việc nghiên cứu, GS Phạm Quang Hưng có cuộc đời khá thú vị, lãng tử. Từ lúc trẻ, ông rất đam mê âm nhạc và thậm chí từng bị gián đoạn, bỏ bê việc học giữa chừng để theo đuổi sở thích nhạc rock. Đến lúc về hưu, ông vẫn giữ song song 2 niềm đam mê vật lý hạt và âm nhạc.
Đối với sinh viên, thầy Hưng rất cởi mở, luôn để cho chúng tôi tự do nghiên cứu và sáng tạo không bắt buộc phải theo khuôn mẫu hay hướng nghiên cứu của thầy. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thầy luôn nhớ các ngày sinh nhật để nhắn tin chúc mừng sinh nhật đến từng sinh viên
Theo các học trò và đồng nghiệp của GS Phạm Quang Hưng, sinh thời ông dự định sẽ trở về quê gốc Ninh Bình để tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về vật lý hạt. Sau đó, ông sẽ viết và xuất bản sách về vật lý neutrino bằng tiếng Việt để phục vụ các sinh viên, người đam mê lĩnh vực này. GS Hưng còn dự định muốn thành lập hội vật lý năng lượng cao ở Việt Nam và xây dựng 1 máy dò neutrino cỡ nhỏ đặt ở lò hạt nhân Đà Lạt…