Thời gian gần đây, hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại liên tiếp xảy ra sự cố chết máy, mắc cạn, thậm chí đâm vào tàu khác, gây ra nhiều vụ tai nạn làm chết người. Hầu hết các tàu đang hoạt động trên tuyến này đều có “tuổi thọ” trên 20 năm nên máy móc, vỏ tàu xuống cấp trầm trọng, trong khi đó từ TPHCM đi Vũng Tàu thường có sóng to, gió lớn nguy cơ tai nạn luôn ập đến hành khách bất cứ lúc nào.
Liên tục gặp sự cố
Ngày 13-5, tàu cánh ngầm Greenlines 06 của Công ty CP Dòng Sông Xanh xuất phát từ cảng Cầu Đá Vũng Tàu về TPHCM bị chết máy tại khu vực vịnh Gành Rái (Vũng Tàu), trôi dạt va vào tàu chở dầu Sông Châu 01 (thuộc Công ty CP Xăng dầu Sông Châu) đang neo đậu tại khu vực trên khiến tàu cánh ngầm bị vỡ mũi, bể cửa kính. Vụ va đập khiến 70 hành khách trên tàu hốt hoảng, nháo nhào đi tìm áo phao để mặc.
Không chỉ bị chết máy bất tử, tàu của công ty này còn có rất nhiều sự cố mất an toàn khác. Điển hình, tháng 3-2011, tàu cánh ngầm Greenlines 2 đã bất ngờ phát hỏa khi đang bơm dầu tại cảng Cầu Đá, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo ghi nhận tại hiện trường của Cảng vụ Đường thủy nội địa Bà Rịa - Vũng Tàu, vào thời điểm vụ cháy xảy ra, ngọn lửa phát ra từ hầm máy trong khi tàu này đang bơm dầu để khởi hành đi TPHCM. Rất may cơ quan chức năng đã có mặt nên chỉ trong vòng 5 phút ngọn lửa đã được khống chế, chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Vào ngày 6-1-2011, tàu cánh ngầm Vina Express 3 (thuộc Công ty CP Tàu cao tốc Vina) đang trên hành trình từ TPHCM đi Vũng Tàu, tại khoang số 3 bất ngờ bốc khói nghi ngút khiến 132 hành khách trên tàu hốt hoảng. Năm tháng sau (chiều 26-6-2011), 120 hành khách đi trên tàu cánh ngầm Vina Express 02 từ Vũng Tàu về TPHCM đã có phen thót tim khi con tàu này mất lái, lao vào bãi cạn dưới trời mưa to, gió lớn giữa biển nước mênh mông. Điện ở các khoang tàu tắt, tàu bị mắc cạn khiến hành khách hốt hoảng. Mãi đến 20 giờ, tàu cứu hộ và ghe của ngư dân xung quanh mới đến cứu hộ…
Cần siết chặt kiểm tra độ an toàn
|
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hiện có 3 công ty tham gia khai thác vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm trên tuyến TPHCM - Vũng Tàu, gồm: hãng Greenlines, Vina Express và Petro Express, hàng năm, vận chuyển khoảng trên 1 triệu lượt hành khách từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại. Tuy nhiên thời gian gần đây, hoạt động của tàu cánh ngầm hầu như chưa an toàn cho hành khách, khiến họ luôn trong tình trạng thót tim vì các sự cố kỹ thuật, tai nạn xảy ra. Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP) nhìn nhận, tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: sự cố hư hỏng máy móc, chở vượt tải trọng cho phép... Mỗi năm, các tàu cánh ngầm đều được đem đi kiểm định vỏ, máy móc..., nếu đạt yêu cầu mới được phép sử dụng tiếp.
Tuy nhiên, hiện nay, một số tàu cánh ngầm chưa đảm bảo sự an toàn cho hành khách, bằng chứng là trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn. Sở chỉ kiểm tra về số lượng hành khách, áo phao, bằng cấp của lái tàu và một số quy định bề ngoài của vỏ tàu mà thôi. Về độ an toàn của máy và kiểm định hay đăng kiểm thuộc về các cơ quan quản lý của Cảng vụ hàng hải. Thời gian tới Sở GTVT sẽ có văn bản đề nghị cơ quan đăng kiểm đánh giá lại toàn bộ cả vỏ và máy tàu của các công ty.
Để đảm bảo ATGT cho hành khách đi lại bằng tàu cánh ngầm tuyến Vũng Tàu - TPHCM, Sở GTVT TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các lực lượng Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa thường xuyên kiểm tra về các điều kiện hoạt động tại các bến tàu khách. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều bất cập và tồn tại nhưng vượt quá thẩm quyền xử lý. Hai sở này đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị xem xét siết chặt quản lý hơn đối với tàu cánh ngầm như: rút ngắn thời gian đăng kiểm, ban hành quy định thời gian hoạt động vận tải hành khách cho các tàu này, cấm các tàu 1 động cơ hoạt động chở khách trên tuyến...
Theo một số chuyên gia ngành hàng hải, điều đáng lo ngại hơn là từ trước đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng, khả năng khai thác tối đa đối với tàu cánh ngầm nên những chiếc tàu cũ kỹ, được sử dụng hơn 15 năm hiện vẫn còn hoạt động.
Quốc Hùng
ĐBSCL: Hiểm họa từ những phương tiện đường thủy
Thế mạnh sông nước của châu thổ Cửu Long đã được các địa phương trong vùng khai thác, biến thành mũi nhọn của ngành du lịch. Tuy nhiên, trên vùng đất “hai cây số có hai cây cầu” này vẫn xảy ra một số sự cố nghiêm trọng, đau lòng. Ngày 8-1-2011, khi 225 thực khách đang ăn tất niên, bất ngờ, nhà hàng nổi Mỹ Khánh (Cần Thơ) bị chìm khiến những người có mặt trên du thuyền hoảng loạn xô đẩy, chen lấn để thoát thân. Rất may, chỉ có 2 người bị thương. Qua xử lý, cơ quan chức năng phát hiện phương tiện này chưa đăng ký, chưa được cấp phép hoạt động. Trước đó, tháng 3-2009, trên sông Cần Thơ, chiếc tàu du lịch chở 12 khách nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng bất ngờ đụng phải sà lan tải trọng lớn đang lưu thông làm 2 người chết. Chiếc tàu này là một vỏ lãi cũ kỹ, được sơn phết và trang bị mái che, băng ghế sơ sài, không biển số, tài công không bằng lái, phương tiện không có giấy đăng ký, đăng kiểm…
Chuyến phà từ Phú Quốc về Hà Tiên dịp Tết Nhâm Thìn 2012 đến nay vẫn còn khiến nhiều người chưa nguôi nỗi kinh hoàng. Theo lịch, phà xuất phát từ âu tàu Đá Chồng (Phú Quốc) lúc 15 giờ ngày 28-1 đã neo đậu lại đến 5 giờ 15 phút sáng 29-1-2012 mới khởi hành. Một đồng nghiệp có mặt trên chuyến phà này kể lại cảnh hỗn loạn do chủ phà đã bán vé quá số lượng ghế ngồi theo quy định đăng kiểm, ô tô chèn kín từng centime. Tải trọng cho phép của phà là 396 khách, 20 ô tô, 200 xe máy, nhưng phà chở dư đến 14 ô tô và gần cả trăm khách! Do trời giông gió lớn và phà quá tải trọng, cảng vụ không cho phép phà rời bến trong đêm. Vụ việc căng thẳng đến mức một phó chủ tịch UBND huyện phải lên tận phà trấn an du khách. Đêm xuống, mưa càng lớn, không nơi tránh, hành khách dồn cứng trên phà. Nếu như có sự cố (chìm hay cháy nổ) thì gần 500 hành khách có thể thiệt mạng do không có lối thoát hiểm. Tại Tiền Giang, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang… hiện còn có hàng ngàn phương tiện tàu, ghe làm du lịch hoặc đưa rước khách “chui”; nhiều nhất là đò chèo có gắn máy, ghe chở rau quả chuyển công năng sang chở khách tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
V.Th.Nhất