Được tin bác Sáu Giàu mất, mấy ngày nay hễ nhắc đến bác Sáu là trong lòng cảm thấy rưng rưng. Bác Sáu được mọi người thương và quý bởi những cống hiến cho dân, cho nước và bởi những nét đẹp về nhân cách của một con người.
Hình ảnh bác Sáu gắn với một thời hào hùng của đất nước. Trong vai trò Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bác Sáu Giàu đã lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 tại Sài Gòn. Rồi khi thực dân Pháp quay trở lại, Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu đã phát động cuộc Nam bộ kháng chiến với khí thế ngút trời của mùa thu rồi ngày 23…
Hình ảnh bác Sáu gắn với quãng đời làm khoa học với hơn 150 công trình nghiên cứu, với hàng vạn trang sách về triết học, tư tưởng, chính trị, lịch sử, xã hội, giáo dục, tôn giáo, địa chí văn hóa…
Bác Sáu ra đi khi bước vào tuổi 100, những gì bác Sáu mang theo và để lại đều là quá lớn.
Báu Sáu mang theo những tình cảm, sự mến mộ của rất nhiều người, nhất là của những người trẻ -thế hệ đi sau đã chịu ơn lớp người đi trước làm nên những chuyện thần kỳ của dân tộc, trong đó có bác Sáu - một nhân chứng lịch sử, một tấm gương.
Bác Sáu đã để lại nhiều công trình nghiên cứu, nhiều trang sách, nhiều bài viết cho đời nay và đời sau tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, chiêm nghiệm…
100 năm sống giữa nhân gian, vượt qua những thử thách mất còn của súng gươm, ngục tù của thực dân xâm lược; vượt qua những thử thách của cuộc đời, cuộc sống, bác Sáu vẫn như vậy, vẫn như một con người nguyên mẫu mà chúng ta được biết - một nhà cách mạng, một nhà giáo, một nhà khoa học đậm chất người - giàu lòng yêu nước, thương dân, giữ nguyên cốt cách bình dị và nụ cười lạc quan.
Sự ra đi của bác Sáu thanh thản, nhẹ nhàng, theo dòng chảy của thời gian, của cuộc sống để về cõi khác, cõi vĩnh hằng, bất tận. Bác Sáu đi như một cuộc sắp đặt tự mình và nụ cười để lại trong thời khắc bước vào tuổi 100 không hơn, không kém.
Bác Sáu đi, việc riêng không vướng bận nhưng những câu hỏi lớn của một nhà sử học - Vì sao có lúc dân tộc mình để mất nước? Vì sao chúng ta có một nền văn hóa không lẫn vào ai, dù có lúc bị đô hộ khá dài?... Các câu hỏi tuy đã được trả lời nhưng vẫn còn là đề tài gợi mở, như mời gọi mọi người cùng tiếp tục làm sáng tỏ trên con đường đi tới tương lai. Những bài học lịch sử cần được thấm sâu và luôn có những giá trị lâu bền, sâu sắc.
Ai đến với bác Sáu có lẽ cũng được hỏi han, động viên đi tới và cũng được thấy nơi ông một sự bình dị, sáng trong, một sự thanh cao mà gần gũi, một sự tinh anh và tài hoa. Bác Sáu nói như viết, ngắn gọn, mạch lạc, dí dỏm. Văn ông, con người ông làm nên phong cách của ông.
Qua những lần được gặp, được trò chuyện, được nghe, được xem những bài viết của bác Sáu, tôi tâm đắc được nhiều điều nơi bác Sáu. Đó là: Làm lãnh đạo phải dành thì giờ nghe tiếng nói trực tiếp của người dân; phải học tập và rèn luyện không ngừng, phải làm việc với tinh thần nghiêm túc, luôn biết tự đòi hỏi, tự khám phá và sáng tạo để không lặp lại chính mình và để có những cống hiến tốt hơn; sự giản dị, chân thành và bao dung có thể dễ dàng tiếp cận mọi người; thái độ lạc quan, lòng tin vào con người, vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp sẽ là cơ sở để làm nên việc lớn...
Và nếu luôn có tinh thần cầu tiến, tinh thần cống hiến, không ngừng học tập và rèn luyện, theo thời gian, mọi người chúng ta ai cũng được tiến bộ hơn lên và làm được nhiều điều có ích.
Theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, những người như bác Sáu Giàu và những tấm gương khác nữa đã và sẽ tiếp tục lan tỏa ngát hương những nét đẹp của tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt Nam.
Với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn, xin được nói lời tiễn biệt bác Sáu Giàu - tiễn biệt một nhân cách lớn.
PHẠM PHƯƠNG THẢO