Tiễn biệt nhà văn tài hoa của văn học cách mạng

Theo thông báo của ban tang lễ, đến 13 giờ 30 ngày 16-2 lễ truy điệu mới chính thức bắt đầu, thế nhưng từ trước đó hàng trăm bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, những người yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tập trung đông đảo tại nhà tang lễ TP để lần cuối chào tiễn biệt một con người tài hoa của văn học cách mạng và cả cuộc sống đời thường.
Tiễn biệt nhà văn tài hoa của văn học cách mạng

(SGGP).- Theo thông báo của ban tang lễ, đến 13 giờ 30 ngày 16-2 lễ truy điệu mới chính thức bắt đầu, thế nhưng từ trước đó hàng trăm bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, những người yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tập trung đông đảo tại nhà tang lễ TP để lần cuối chào tiễn biệt một con người tài hoa của văn học cách mạng và cả cuộc sống đời thường.

Nhiều người bạn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã bật khóc, nhà thơ Nguyễn Duy và một số bạn thân của nhà văn xin được chụp tấm ảnh cuối với Nguyễn Quang Sáng, một vài nghệ sĩ ở xa về muộn, vội vàng chạy vào lo lắng hỏi có còn cho thắp nén nhang viếng “anh Năm” không… Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng có mặt để chia buồn và tham dự lễ truy điệu cùng gia đình nhà văn. Đồng chí Phan Xuân Biên và trung tướng Hữu Ước là những người cuối cùng chia tay nhà văn, dù trước đó họ đã đến viếng nhiều lần.

Quang cảnh lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Quang cảnh lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Trưởng ban lễ tang nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đọc điếu văn tiễn biệt nhà văn. Bài điếu văn điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, ảnh hưởng quan trọng của nhà văn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự phát triển của văn học Việt Nam.

Bài điếu văn có đoạn: “Có thể nói, cuộc đời, văn nghiệp và lòng yêu nhân dân, yêu Tổ quốc nồng nàn, mãnh liệt của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một thể thống nhất, trở thành một biểu tượng của sáng tạo nghệ thuật cách mạng chân chính, vừa mang tính rắn rỏi như bản chất của người lính, vừa lãng mạn trữ tình, chân chất như bản chất con người Nam bộ…”. Phần kết bài điếu văn có những câu thơ: “Tổ quốc  tiếng gà trưa còn đó/Cánh đồng hoang loang nước ngậm ngùi/Mùa gió chướng bây giờ ai che chắn/Giữa dòng vương một nét mây trôi…” (chữ in nghiêng là tên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng).

Sau lễ truy điệu, thể theo nguyện vọng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc sinh thời, ông sẽ được hỏa táng và tro cốt ông sẽ được đưa về gia đình, đặt trong một bức tượng do chính ông đã chuẩn bị sẵn.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các văn nghệ sĩ đến viếng nhà văn

Theo thống kê của Ban tổ chức lễ tang, trong hơn 2 ngày tổ chức tang lễ, đã có hơn 300 đoàn, đại diện cho tập thể và cá nhân đến viếng và chia buồn cùng gia đình nhà văn. Trong số đó có các đoàn, đại diện của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phạm Quang Nghị, Ủy  viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội…

Một trong những đoàn đầu tiên viếng nhà văn là đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM dẫn đầu. Trong các buổi tiếp theo, các đồng chí lãnh đạo TP cũng đã đến viếng nhà văn gồm các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM… Trong sổ tang, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều ghi nhận và đánh giá cao công lao đóng góp to lớn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong việc phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Rất đông bạn bè, đồng nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ngậm ngùi đến viếng ông và mỗi người đều ghi lại những kỷ niệm khó quên đối với nhà văn. Có những kỷ niệm mang tính riêng tư, cuộc sống, có những kỷ niệm lại gắn với công việc, gắn với sự nghiệp sáng tác của nhà văn như NSND - TS Bạch Tuyết ghi: “Cô đào hát nhớ anh/Mùa gió chướng đã về”. Trong đó Cô đào hát chính là tên vở kịch chuyển thể từ một tác phẩm của nhà văn. Nghệ sĩ Quyền Linh thì gọi nhà văn là ba và cho rằng dù ba đã ra đi nhưng sẽ còn được nhớ mãi qua những tác phẩm để lại.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục