Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang xúc tiến kế hoạch thành lập chính phủ mới trong bối cảnh tiếp tục có nhiều cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử.
Theo báo chí Mỹ, xen lẫn các cuộc biểu tình là một số vụ xung đột mang tính phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Có lẽ nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, ông Trump trong chuyên mục trả lời phỏng vấn “60 phút” của truyền hình CBS ngày 13-11 đã kêu gọi những người ủng hộ ông “ngừng ngay” các hành động phân biệt chủng tộc như vậy.
Có thể thấy, ngay trong diễn văn mừng chiến thắng, ông Trump cũng bắt đầu thể hiện sự nhún nhường khi cho biết ông sẽ xây dựng nước Mỹ “cho tất cả mọi người”. Sau đó, ông tuyên bố không bỏ hết chương trình trợ cấp y tế Obamacare mà giữ lại một phần. Việc xây bức tường dọc biên giới với Mexico cũng được cho là sẽ không bắt Mexico trả tiền như những gì ông tuyên bố trong lúc tranh cử và trước mắt chỉ xây vài đoạn cần thiết nhất. Tuy nhiên, cũng trong chương trình “60 phút” nói trên, ông Trump lại tuyên bố sẽ “ngay lập tức” trục xuất 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp sau khi nhậm chức và bãi bỏ hoàn toàn Obamacare.
Theo tờ The Washington Post, không có gì chắc chắn khi ông Trump chưa hành động. Ngay cả việc bổ nhiệm các vị trí trong nội các cũng chưa định hình một chính sách rõ ràng.
Ông Trump tuyên bố bổ nhiệm Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Ông Priebus, 44 tuổi, được xem như là nhân vật được lòng đa số thành viên đảng Cộng hòa mặc dù ông bị không ít những lời đả kích trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Với tuyên bố bổ nhiệm ông Stephen K. Bannon, Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông làm cố vấn cấp cao lại gây nhiều lo ngại.
Ông Bannon (62 tuổi) từng công khai tấn công lãnh đạo Quốc hội Mỹ, cụ thể là Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan. Ông được cho là có tư tưởng cực hữu bài Do Thái và ủng hộ người da trắng cực đoan. Theo lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Harry M. Reid (đảng Dân chủ bang Nevada), “Sự lựa chọn Bannon là tín hiệu cho thấy ông Trump đưa chủ nghĩa cực đoan da trắng lên mức cao nhất trong Nhà Trắng”. Hay như trong lúc tranh cử, ông Trump nói rằng các con ông sẽ không vào Nhà Trắng, mà lo việc kinh doanh của gia đình. Nay ông đã thay đổi ý định, khi đưa các con trai, con gái, con rể vào bộ máy bố trí nhân sự cho chính quyền.
Riêng trong vấn đề trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố trục xuất tất cả 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ rõ ràng nhưng trong tuyên bố ở chương trình “60 phút”, con số giảm xuống còn 3 triệu người cho thấy “mức độ rộng lượng” (từ của báo Washington Post) của ông Trump vì ông chỉ nhắm vào thành phần tội phạm trong số những người nhập cư bất hợp pháp. Còn số lượng sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học Mỹ thì sao?
Theo nhiều giáo sư tại Mỹ, số lượng sinh viên nước ngoài đến Mỹ có thể giảm trong thời kỳ ông Donald Trump làm tổng thống. Philip Altbach, giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Đại học Boston, nói rằng lời hứa của ông Trump thực hiện “rà soát” người Hồi giáo và người nhập cư khác đến Mỹ sẽ “ngăn chặn một số sinh viên vào Mỹ và gây khó khăn hơn trong thủ tục du học”.
Những đường nét của chính quyền của ông Trump đang bắt đầu hình thành nhưng theo nhận định của báo chí Mỹ thì ông Trump và đội ngũ của ông tiếp tục vẽ một “bức tranh hỗn hợp” của những gì sẽ thực hiện và đôi khi mâu thuẫn với những cam kết trong chiến dịch tranh cử.
KHÁNH MINH