Hôm qua, đội tuyển đã có một hành trình giông bão. Một ngày đường ba chuyến bay với những thất vọng ban đầu khi đặt chân đến Bacolod, nhưng hy vọng ngày mai trời lại sáng...
Thông tin từ Bacolod điện về lúc 21 giờ cho thấy đội tuyển vừa trải qua một hành trình gian khổ. Nhiều khuôn mặt nặng nề và mệt nhoài sau nhiều giờ bay và những lần chuyển máy bay lẫn di chuyển khiến hưng phấn và khí thế của ngày lên đường giảm xuống bởi mệt, đói và những khó khăn khách quan làm thầy trò ông Riedl chỉ biết thở dài.
Lạ ở chỗ ông Riedl với bản tính nóng nảy và hay cáu kỉnh, hôm qua lại bình tĩnh và trầm hẳn. Có lẽ ông hiểu được nỗi khổ của các cầu thủ nên đã kềm chế mình để cố giữ lấy hòa khí bằng những nụ cười gượng.

Đại sứ Đinh Tích cùng nhân viên Sứ quán Việt Nam tại Philippines chụp ảnh lưu niệm với HLV Riedl.
Thực chất thì những khó khăn khách quan ấy không đáng ngại bằng những khó khăn do “tai nạn” đã làm tóc ông bạc đi rất nhiều. Như những chấn thương chồng chất đang chờ thời gian hồi phục tích cực. Điển hình là những ngày qua ông rất lo cho cái gối của Quốc Vượng dù vẫn cố gắng nói vui theo kiểu động viên rằng Vượng có thể ra sân. Ông có lúc lạc quan nhưng nhiều khi lại không giấu được những bi quan qua lời tâm sự “Tôi rất cần Quốc Vượng”.
Cần chứ! Ai cũng thấy được điều đó qua hai giải LG Cup và Agribank Cup và ai cũng thấy vai trò của Vượng như thế nào. Hai giải giao hữu ấy, ông chăm chút Quốc Vượng đến nỗi không dám rút ra vì sợ động vào chỗ ấy...nó sẽ vỡ. Cái vỡ mà ông lo là vỡ một thế trận và vỡ trục xương sống của đội Việt Nam. Cũng không sai khi đã có những so sánh Quốc Vượng đối với ông Riedl hệt như Roy Kean của Ferguson ở M.U vậy.
Thế mà cái gối ấy đã đe dọa khả năng không ra sân của Vượng.
Hành trình giông bão cả ngày qua đầy bề nổi và đầy những bực dọc thực chất vẫn không đáng sợ bằng cơn bão lòng trong các sơ đồ tính toán của ông Riedl về một phương án không có Quốc Vượng nếu thời gian còn lại không đồng hành với đội tuyển.
Bóng đá vốn đầy rẫy những bất ngờ nhưng cái bất ngờ kiểu “cướp” của ông một tiền vệ trụ lại cũng là một thủ lĩnh giữ cả trục giữa và giữ sức sống cho đội bóng lại là một bất ngờ khủng khiếp nhất. Ông lo và ông đau với những giấc mơ dang dở và những trang sử chưa viết hết của bóng đá Việt Nam lẫn trong chính cuộc đời cầm quân của ông.
Chỉ mới một năm trước, khi còn nắm đội Palestine thi đấu dưới bom đạn, ông đã từng một lần ngậm ngùi khi nhìn cái đội hình thiện chiến của mình sứt mẻ vì chiến tranh và vì đòn tâm lý của kẻ thù. Bây giờ, với một đội bóng Việt Nam thanh bình thì kẻ thù của ông lại chính là chấn thương ở những thời điểm ông rất cần cho sự tồn tại của mỗi con người.
Các phóng viên Việt Nam hôm qua có chung một hành trình với thầy trò ông Riedl đều có cùng một cảm nhận ông già đi rất nhiều và cũng trầm hơn rất nhiều so với bản tính sốc nổi của ông.
Một hành trình gian khổ sau khi đặt chân lên một địa phương mà những vị khách luôn bị bao bọc trong hàng rào an ninh và súng ống gọi là để đảm bảo an toàn cho SEA Games ở một đất nước từng bị khủng bố.
Ông Riedl không khó chịu với những điều ấy. Trong ông bây giờ chỉ là Chủ nhật này đội tuyển sẽ ra sân với đội hình nào và cầu thủ ông cần, ông mong muốn có được “trời chiều” không.
Hôm qua, các trợ lý cũng chia sẻ với ông rất nhiều nhưng ít ai được ông tâm sự trở lại. Ông cứ trầm ngâm với cái quỹ thời gian ngắn ngủi không ủng hộ cho sự hồi phục cần thiết của những chấn thương.
Mong cho bầu trời lại bình yên và mong cho tiền hung hậu kiết.
Để lại thấy nụ cười thậït hạnh phúc của ông Riedl thay cho nụ cười gượng gạo méo xệch vì hành trình giông bão và cả vì những cơn bão lòng.
Nguyễn Nguyên