Trong khi không khí hân hoan ăn mừng chiến thắng ở Mỹ và các nước đồng minh sau cái chết của trùm khủng bố Bin Laden chưa lắng xuống, thì chính phủ Mỹ phải đối mặt với chỉ trích từ nhiều phía vì những gì họ đã làm trong chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda.
Nghi ngờ về tính pháp lý của chiến dịch này tăng cao khi ngày 5-5, Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay đã yêu cầu phía Mỹ tiết lộ toàn bộ sự việc, nhằm xác định tính hợp pháp của chiến dịch truy sát nhân vật đứng đầu tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Cao ủy LHQ cũng nhấn mạnh, các hoạt động chống khủng bố cần tuân thủ luật pháp quốc tế và cho rằng, luật pháp quốc tế không cho phép các hành động tra tấn cũng như hành quyết mà không xét xử.
Theo ý kiến của cơ quan nhân quyền LHQ, chiến dịch này đã vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là xâm phạm bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền để tiêu diệt đối thủ của mình, hạ sát một đối thủ không có vũ khí trong tay, không bắt giữ đối thủ để đưa ra công lý xét xử - điều hoàn toàn nằm trong tầm tay một đội đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất của Mỹ…
Trước đó, đáp lại chỉ trích của nhiều phía, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã khẳng định tại Quốc hội nước này rằng, chiến dịch truy sát Bin Laden của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Pakistan là “hoàn toàn hợp pháp” và cho rằng đây là “hành động bảo vệ quốc gia chính đáng”.
Việc Mỹ tiêu diệt Bin Laden là một thành công đáng kể trong chiến dịch chống khủng bố, góp phần mang lại hy vọng cho cuộc chiến tưởng như không có hồi kết này. Nhưng xét dưới góc độ luật pháp quốc tế, có thể nói Mỹ đã không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp.
Những biện pháp đạt được thành công này sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong các mối quan hệ quốc tế. Điều này phải chăng là các quốc gia có quyền truy đuổi tội phạm hay đối thủ của mình trong lãnh thổ của một quốc gia khác? Các quốc gia có quyền xâm phạm chủ quyền nước khác với lý do bảo vệ quốc gia của mình? Điều này phải chăng là mọi thể chế có quyền thủ tiêu đối thủ mà không cần xét xử? Điều này phải chăng người ta có thể lấy danh nghĩa chống khủng bố để tiến hành các hoạt động không được luật pháp công nhận?
Trên thực tế, bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế về chủ quyền của các quốc gia, 10 năm qua Mỹ đã lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để đưa quân chiếm đóng Afghanistan và sau đó là Iraq. Giờ đây, chiến dịch truy sát trùm khủng bố Bin Laden một lần nữa khẳng định Mỹ chưa bao giờ có ý định tôn trọng luật pháp quốc tế khi giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích của mình.
Một hậu quả khó lường là việc tiêu diệt Bin Laden đã hợp thức hóa một cách bất hợp pháp các hoạt động ám sát nếu như Mỹ hay một quốc gia nào khác tuyên bố người bị ám sát là tội phạm. Trước mắt, Israel là người được lợi nhất. Mới đây ông Mofaz, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và đối ngoại của Quốc hội Israel, đã mừng rỡ khẳng định, quyết định của Mỹ đã biện minh cho chính sách mà Israel đã thực thi gần đây trong các chiến dịch ám sát có mục tiêu các nhà lãnh đạo lực lượng Hamas và các quan chức hàng đầu của Palestine.
Có lẽ những tuyên bố của bà Pillay là những cảnh báo cứng rắn nhất mà LHQ nhằm vào Mỹ khi bà nói: LHQ lên án chủ nghĩa khủng bố, nhưng cũng có luật lệ cơ bản về cách thức tiến hành các hoạt động chống lại chủ nghĩa khủng bố mà các quốc gia thành viên bắt buộc phải tuân thủ.
VIỆT TRUNG