Tiền lương phải phản ánh đúng năng lực và kết quả lao động

Cải cách tiền lương không đơn giản chỉ là tăng lương bao nhiêu phần trăm, nên đề án của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành đã nêu quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính và bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ...”. Quan điểm này rất hay, nhưng quan trọng hơn là “bảo đảm cuộc sống” ở mức nào? 

Và sự công bằng của các mức lương - theo nghĩa đồng lương phải phản ánh đúng năng lực và kết quả lao động của từng con người cụ thể. Chỉ có như thế, tiền lương mới thực sự có ý nghĩa là động lực, trách nhiệm của người lao động và là sự tôn trọng nhân cách của những người chân chính. 

Cải cách tiền lương trước hết cần sự công bằng cho các nhóm lao động trong xã hội. Ảnh: Việt Dũng
 Đồng lương và sự công bằng
Có lẽ không cần phải phân tích sâu “lương là gì?” mà quan trọng hơn là cần hiểu rõ “lương đến từ đâu” để làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của quan điểm mà đề án cải cách tiền lương đã đề ra.
Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam có khá nhiều cách định nghĩa tiền lương khác nhau. Tại Pháp, lương là tiền trả công lao động. Ở lãnh thổ Đài Loan, lương là các khoản thù lao mà công nhân được hưởng. Ở Việt Nam có lương cơ bản, phụ cấp, phúc lợi và lương là giá cả sức lao động được thỏa thuận... Nhìn chung, các định nghĩa đó vẫn nặng về giải thích “lương là gì?”. Thực ra người lao động không quan tâm nhiều đến các “thuật ngữ” đó, họ chỉ cần biết tổng thu nhập từ việc làm đã mang đến cho gia đình và bản thân họ mức sống thế nào? Do vậy, tất cả người lao động trên thế giới đều muốn được tăng lương càng nhiều càng tốt.
Thế nhưng, đối với bên trả lương (Nhà nước và doanh nghiệp), vấn đề quan trọng đầu tiên là làm thế nào để có tiền trả lương và mức lương nào hợp lý? Đó là bài toán phức hợp với rất nhiều dữ liệu chồng chéo và cách giải cũng rất khó khăn. Ở khu vực nhà nước, phương án tăng quỹ lương không phải chỉ tính đến những yếu tố tích cực theo lý thuyết như nhằm cải thiện đời sống nhân dân, tăng năng suất lao động... mà quan trọng hơn còn phải cân đối với các loại ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực phát triển các ngành kinh tế, ngân sách cho giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng... Vì nếu các mặt đó thiếu nguồn lực phát triển thì lạm phát sẽ tăng lên, giá cả sinh hoạt tăng theo, đồng tiền xuống giá - tức lương tăng ít hơn tăng giá - như thế gọi là lợi bất cập hại.
Tình trạng này đã từng xảy ra ở nước ta và nhiều nước khác. Do đó, điều kiện tiên quyết để có thể tăng lương trong khu vực nhà nước là khả năng tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tăng nguồn thu ngân sách quốc gia. Ở khu vực tư nhân cũng vậy, lương của người lao động tùy thuộc trước hết vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. 
Về lý thuyết là như thế, nhưng trên thực tế vấn đề mức lương ở Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khác. Cụ thể ở khu vực nhà nước, mức lương thấp không phải chỉ vì kinh tế chưa mạnh, ngân sách chưa nhiều mà còn do nguyên nhân bộ máy nhà nước quá lớn. Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có tới 7 triệu người lĩnh lương phi sản xuất (chiếm gần 0,8% dân số), tạo ra gánh nặng quỹ lương rất lớn.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân lớn hơn là tỷ lệ thất thoát rất cao trong nguồn thu ngân sách nhà nước. Nói dễ hiểu, ngân sách còn hạn hẹp thì quỹ lương chưa nhiều, nhưng người lĩnh lương rất đông nên mức lương không thể cao. Ở khu vực kinh tế tư nhân cũng tương tự, mức lương của người lao động phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản: kết quả kinh doanh, văn hóa kinh doanh và đạo đức của doanh nhân. Nếu 1 trong 3 yếu tố đó ở mức thấp thì lương cũng không thể cao.
Tại các nước có trình độ phát triển cao, nhất là ở những ngành như hàng không, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… mức lương sẽ cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển, nhưng ở nước họ vẫn xảy ra biểu tình, đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Lý do vì họ cảm thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa lợi nhuận của chủ doanh nghiệp (thực chất là thành quả lao động của công nhân viên) và mức lương mà họ được trả (ở Mỹ, 1% tài phiệt nắm giữ 90% tài sản cả nước).
Ở Việt Nam cũng thế, hiện tượng hàng loạt bác sĩ ở nhiều bệnh viện bỏ việc không chỉ vì lương thấp (4 - 6 triệu đồng/người/tháng) mà còn vì họ cảm thấy đồng lương đó không phản ánh được năng lực và kết quả làm việc của họ. Trong khi đó, không ít người trong bộ máy nhà nước lĩnh lương cao nhưng hiệu quả công việc rất thấp. Đó là yếu tố công bằng và yếu tố này có thể còn quan trọng hơn cả mức lương.
Từ cải cách đến cách thực hiện
“Tiền lương phải là thu nhập chính và bảo đảm được cuộc sống của người lao động và gia đình họ...”. Quan điểm này dễ dẫn đến cách hiểu được cho là “chỉ cần lương là nguồn thu nhập chính thì mặc nhiên nó bảo đảm cuộc sống...”. Thực tế có phải như vậy? 
Vai trò “thu nhập chính” của đồng lương có thể đến từ 1 trong các trường hợp sau. Thứ nhất, lương đã cao đến mức không cần làm thêm việc gì, cũng thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu sống của gia đình. Khả năng này rất ít người đạt được. Thứ hai, ngoài công việc đang được trả lương thấp, nhưng không có thời gian và sức khỏe để làm công việc khác; trường hợp này khá phổ biến, đó là đội ngũ công nhân lao động giản đơn trong các khu công nghiệp và nhân viên tạp vụ. Thứ ba, bản thân người lao động lương thấp, nhưng không có năng lực để làm thêm việc gì khác.
Đối với 2 đối tượng sau, lương đúng là thu nhập chính, nhưng mức sống của gia đình họ ở mức thấp và không ổn định. Nói cách khác, vai trò “thu nhập chính” của đồng lương không có ý nghĩa quyết định. Vấn đề quan trọng hơn là đồng lương ấy tạo ra mức sống thế nào? Như vậy, nếu tăng gấp đôi tiền lương của công nhân lao động giản đơn trong các khu công nghiệp nói chung thì cũng chưa thể đưa được gia đình của họ ra khỏi những phòng trọ nhỏ hẹp, thiếu tiện nghi. Vậy nếu chỉ có thể tăng mấy phần trăm lương - mặc dù vẫn là thu nhập chính - thì có thể “bảo đảm” cuộc sống cho gia đình họ ở mức nào? 
Sự công bằng về mức lương không phải là cào bằng giống nhau, mà được hiểu là phải phản ánh đúng năng lực và kết quả làm việc của từng người lao động.
Việt Nam còn là nước thu nhập “trung bình thấp” (trên 2.000 USD/người/năm), nên cải cách tiền lương cũng chỉ có thể cải thiện mức sống của người lao động ở mức độ khiêm tốn. Do đó, mục tiêu “bảo đảm cuộc sống” cho gia đình người lao động chưa mang tính cụ thể. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội của cải cách tiền lương còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế, cải cách hành chính, quản lý xã hội và kết quả phòng, chống tham nhũng. Và như vậy, có cải cách thật sự được tiền lương hay không, cần nỗ lực rất lớn từ tổng hòa điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội liên quan.

Tin cùng chuyên mục