Tiên phong sản xuất thực phẩm sạch

Ngày 12-4 vừa qua, Sở Công thương TPHCM tổ chức sơ kết Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018. Đây là năm thứ 16, TPHCM thực hiện CTBOTT đối với các mặt hàng thiết yếu và là năm thứ 8, TPHCM triển khai đồng bộ 4 CTBOTT gồm lương thực - thực phẩm, hàng phục vụ mùa khai giảng, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng sữa.
Tính đến nay, TPHCM vẫn là địa phương duy nhất trong cả nước đã triển khai thành công 4 chương trình này. Với lực lượng đông đảo doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn tại TPHCM đủ sức chi phối thị trường và ổn định giá cả. 
Tiên phong sản xuất thực phẩm sạch ảnh 1 Sản xuất thực phẩm chế biến cung ứng bình ổn thị trường tại Công ty Sagrifood. Ảnh: CAO THĂNG
 Hàng bình ổn chiếm 30% - 50% thị phần
Như thông lệ, 4 CTBOTT năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018 được triển khai từ ngày 1-4-2017 đến 31-3-2018 theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số DN tham gia chương trình là 88 DN, gồm 9 ngân hàng, 44 DN sản xuất lương thực, 14 DN sản xuất hàng phục vụ mùa khai giảng, 6 DN sản xuất sữa và 15 DN sản xuất dược phẩm. Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký cho vay thực hiện CTBOTT năm 2017 là 18.170 tỷ đồng, tăng 5.720 tỷ đồng (29%) so năm 2016, lãi suất tương đương năm 2016 (ngắn hạn 5,5% - 7%/năm, trung và dài hạn 9%-10%/năm).
Tổng lượng hàng thực hiện chương trình tăng bình quân 30% - 35% so với kết quả thực hiện năm 2016. Cụ thể: các mặt hàng lương thực - thực phẩm chiếm khoảng 25% - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường, 30% - 40% tháng tết; các mặt hàng phục vụ mùa khai trường chiếm từ 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng; các mặt hàng sữa 30% - 35% nhu cầu thị trường; các mặt hàng dược phẩm chiếm 50% thị phần các nhóm thuốc thiết yếu. 
Riêng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, để đảm bảo cân đối cung cầu, Sở Công thương TPHCM phối hợp các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung như thực hiện tốt kế hoạch tạo nguồn, dự trữ, cung ứng hàng hóa tết theo số lượng được giao; bên cạnh số lượng hàng hóa chuẩn bị theo kế hoạch được giao từ chương trình, các DN cũng chủ động thực hiện đầy đủ kế hoạch kinh doanh nhằm đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường tết dồi dào, phong phú và ổn định; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Trường hợp xảy ra biến động thị trường, DN đảm bảo cung ứng hàng hóa theo chỉ đạo của Sở Công thương; thông báo các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa trong và ngoài chương trình trước và sau tết; trong đó ưu tiên các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả.
Theo nhận xét của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, các DN tham gia trong CTBOTT đã tích cực chủ động và rất chuyên nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành các quy định điều phối, đảm bảo cung cầu thị trường.
Năm 2017, TPHCM tiếp tục triển khai các nội dung liên tịch được ký kết giữa Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với một số hệ thống phân phối như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối, đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng. 
Công cụ điều tiết thị trường hiệu quả
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM,  CTBOTT các mặt hàng thiết yếu năm 2017 là công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả của TP. Cùng với sự phát triển, mở rộng và nâng chất của hệ thống phân phối, hàng hóa của chương trình có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, được cung ứng đầy đủ, ngày càng nhiều và phong phú, đa dạng, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, thực hiện an sinh xã hội và tạo được uy tín, niềm tin rất lớn trong người dân TP. 

Doanh thu gần 26.000 tỷ đồng

Theo Sở Công thương TPHCM, kết quả thực hiện CTBOTT lương thực - thực phẩm năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018 đạt tổng doanh thu đạt 25.763,1 tỷ đồng, tăng 12,7% so với kết quả thực hiện năm 2016-2017; có 2/9 nhóm hàng cung ứng vượt kế hoạch là rau củ quả (đạt 147,5% kế hoạch), thực phẩm chế biến (117,3% kế hoạch); 5/9 nhóm đạt xấp xỉ kế hoạch (đường, dầu ăn, thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm) và 2/9 nhóm đạt 45% so với kế hoạch (gạo và thủy hải sản).
Riêng Tết Mậu Tuất 2018, các đơn vị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 17.812,1 tỷ đồng, tăng 743,3 tỷ đồng (4,17%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017 (17.068,8 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.044,8 tỷ đồng. 
CTBOTT các mặt hàng mùa khai giảng năm 2017 có tổng doanh thu 1.039.35, tăng 19,2% so năm 2016. Để đáp ứng nhu cầu học sinh mùa khai giảng, chương trình có 4 nhóm hàng với 81 loại sản phẩm, 516 mẫu. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, giá cả phù hợp. 
CTBOTT các mặt hàng sữa đạt tổng doanh thu 1.033,8 tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ. Lượng sữa cung ứng đạt 1.833,1 tấn và 11,9 triệu lít sữa nước.
Tổng doanh thu của 531 mặt hàng dược phẩm thiết yếu trong chương trình đạt hơn 70,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh thu bán thuốc bình ổn trên địa bàn TP. Các mặt hàng thuốc tham gia CTBOTT năm 2017 đã đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng, giúp người dân có nhiều lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh. 
Năm 2017, hầu hết nhóm hàng cung ứng CTBOTT đều được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, thậm chí có những DN đã và đang đầu tư để sản xuất các loại thực phẩm hữu cơ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Các DN như Vissan, Saigon Co.op, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Phước An, Phú Lộc… đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với nhóm hàng thực phẩm như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả.
Qua thực hiện CTBOTT và triển khai các chương trình như hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu, kết nối ngân hàng - DN… các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn, lãi suất phù hợp phục vụ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất; có thêm nhiều cơ hội để liên doanh liên kết, hợp tác, khai thác vùng nguyên liệu, giảm chi phí, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện công tác bình ổn thị trường ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn; không những đủ năng lực thực hiện trên địa bàn TPHCM mà còn tham gia hỗ trợ các tỉnh, thành bạn trong việc BOTT do Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, UBND các quận, huyện tại TPHCM đã hình thành được mạng lưới phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại. Hàng bình ổn nay đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố nước ngoài như Lotte Mart, Giant, Big C… cũng bố trí hàng bình ổn ở những khu vực dễ nhìn, dễ thấy. Với người tiêu dùng, họ đến siêu thị không chỉ vì đã quen với cách mua sắm văn minh, lịch sự mà ở đó còn có thể mua được các nhóm hàng bình ổn giá. 
Hiệu quả từ CTBOTT, cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô… đã giúp TPHCM thành công trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng năm 2017, tiếp tục có mức tăng thấp hơn so với mức tăng bình quân cả nước. Với việc tham gia CTBOTT, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển, sản xuất kinh doanh.
Từ chương trình, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng từ chính đồng vốn hỗ trợ của TP. Đây cũng là cơ sở để TPHCM tập hợp, phát triển được đội ngũ DN mạnh, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa chi phối thị trường. Chương trình đã góp phần cùng TP thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, vì 100% hàng hóa của chương trình được chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất ở trong nước và mang thương hiệu Việt.

Phân phối hàng tại 10.602 điểm bán

Tính đến ngày 31-3-2018, tổng số điểm phân phối hàng bình ổn là 10.602 điểm bán, tăng 1.397 điểm bán so với năm 2016. Trong đó, chương trình lương thực - thực phẩm có 4.027 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 477 cửa hàng tiện lợi, 922 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.516 điểm bán trong khu dân cư.
Trong số đó có 982 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCX-KCN. Chương trình mùa khai trường có 824 điểm bán, gồm 168 siêu thị, nhà sách, 318 cửa hàng chuyên doanh (văn phòng phẩm, thời trang…), 338 điểm bán trong khu dân cư. Chương trình sữa có 1.569 điểm bán, gồm 95 siêu thị - trung tâm thương mại, 154 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh sữa, 55 sạp chợ, 521 điểm bán khu dân cư, 680 trường học bán trú, 64 bệnh viện. Chương trình dược có 4.182 điểm bán, gồm 3.425 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 637 nhà thuốc và đại lý thuốc DN. Ngoài ra, các DN bình ổn còn thực hiện 1.402 chuyến bàn hàng lưu động, doanh thu đạt gần 35 tỷ đồng.

Gần 20.000 tỷ đồng thực hiện CTBOTT 2018-2019

Tại cuộc họp sơ kết Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2017, triển khai chương trình năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết kể từ ngày 1-4-2018, TPHCM tiếp tục thực hiện 4 CTBOTT với sự tham gia của 90 DN (gồm 78 DN sản xuất, kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng), lượng hàng bình ổn chuẩn bị tăng khoảng 15% - 30% so với kế hoạch thực hiện năm 2017. 
Cụ thể, năm nay TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện bình ổn đối với 10 nhóm hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị. Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới có 4 nhóm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày. Các mặt hàng sữa cũng bình ổn đối với 4 nhóm sản phẩm gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường); sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống và cacao). Riêng các mặt hàng dược phẩm thiết yếu sẽ bình ổn 21 nhóm thuốc với 176 hoạt chất và 383 mặt hàng. 
Về cơ chế điều phối giá, DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán BOTT với Sở Tài chính TPHCM theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% - 15%, tùy nhóm hàng.
Nguồn vốn triển khai CTBOTT năm nay tiếp tục được xã hội hóa ở mức cao nhất. DN chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia chương trình với hạn mức và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng hàng phục vụ BOTT. Tổng nguồn vốn thực hiện CTBOTT là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng (8,14%) so năm 2017, lãi suất tương đương năm 2017.
KIM CHUNG

Tin cùng chuyên mục