Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:

Tiến quân ca - trầm hùng và thiêng liêng

Nằm tại một vị trí trang trọng trong triển lãm Ngày độc lập 2-9, bản nhạc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao đã gợi lại thật nhiều cảm xúc cho người thưởng lãm. Màu giấy của bản nhạc ấy đã nhuốm màu thời gian, nhưng từng nốt nhạc, mỗi ca từ đều chứa đựng hồn thiêng sông núi.

1. Bà Trần Thu Hà, Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết, bản nhạc Tiến quân ca được trưng bày trong triển lãm là do chính nhạc sĩ Văn Cao viết tặng bảo tàng ngày 22-12-1994, chưa đầy một năm trước khi ông rời cõi tạm.

Những ngày ấy, sức khỏe của nhạc sĩ Văn Cao đã giảm sút nhiều, song khi đại diện bảo tàng đến thăm và ngỏ ý muốn có một bản chép tay Tiến quân ca, nhạc sĩ vui vẻ nhận lời. Thay vì viết lên những khuông nhạc kẻ sẵn, ông tự mình kẻ, viết lại bản Tiến quân ca hoàn chỉnh. Ở góc phải, nhạc sĩ Văn Cao viết dòng chữ “Tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ngày 22-12-1994”. Dòng chữ ông viết đúng vào kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là dịp vừa tròn nửa thế kỷ bài hát trở thành Quốc ca của dân tộc.

Để hoàn thành bản chép tay đặc biệt ấy, mà có lẽ cũng là bản chép tay cuối cùng của bản nhạc, nhạc sĩ Văn Cao đã sửa đi, sửa lại 3 bản chép khác để rồi có một bản hoàn chỉnh nhất tặng bảo tàng. Cùng với bản nhạc, người nhạc sĩ tài hoa cũng trao tặng 4 trang hồi ký được viết vào ngày 7-7-1976 với tiêu đề Làm sao tôi viết Tiến quân ca ghi lại những cảm xúc đầu tiên của ông khi viết bài hát lịch sử.

2. Bản ghi chép của nhạc sĩ Văn Cao được lưu lại trong bảo tàng chính là tâm sự ruột gan của ông về cảm xúc, bối cảnh ra đời của Tiến quân ca. Rất trẻ và chưa từng cầm súng, bởi thế khi được giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng, ông đã vô cùng lúng túng.

“Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố Ga, Hàng Bông, Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì đó để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những đường phố quen thuộc thường không vang một âm thanh gì hơn... Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh chứ không chuẩn bị để quay lại làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này… Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng… Đêm hôm ấy, nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca đã được bắt đầu”, nhạc sĩ Văn Cao viết lại.

Tháng 11-1944, nhạc sĩ Văn Cao được tự tay viết Tiến quân ca lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của báo Độc lập. Một tháng sau khi báo phát hành, khi đi từ cơ quan ấn loát trở về Hà Nội, qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế) ông chợt nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát Tiến quân ca. “Tôi dừng lại và thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi…”, tác giả của Tiến quân ca viết.

3. Năm 1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I quyết định chọn Tiến quân ca của Văn Cao làm Quốc ca. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, từ năm 1976, Tiến quân ca trở thành Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 15-7-2016, sau 72 năm ra đời và gắn bó với lịch sử dân tộc, thể theo nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc Tiến quân ca chính thức được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong lễ tiếp nhận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, hơn 70 năm qua, ca khúc đã khẳng định sức sống mãnh liệt, gắn liền với sự kiện trọng đại của dân tộc. Quốc ca như biểu tượng thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục vang mãi như lời hiệu triệu non sông. Bài ca đã và sẽ mãi mãi là tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục