Cho vay tiêu dùng hiệu quả
Đặc thù của loại hình tín dụng cho vay tiêu dùng là có rủi ro và chi phí cao, do vậy, việc nâng cao công tác quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn là vấn đề mà các tổ chức tài chính nói chung và các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng cần đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai chiến lược kinh doanh.
Tỷ trọng vay tiêu dùng ngày càng tăng
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tính đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 2014 (9 tháng đầu năm 2014 tăng 13,14%) và chiếm tỷ trọng 8,02% so tổng với dư nợ tín dụng toàn hệ thống (9 tháng đầu năm 2014 là 6,31%); trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng; cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 3,73%.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính tại TPHCM trong 3 năm qua đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2011-2012, chiếm 6,8% trong tổng dư nợ của toàn ngành, tương đương khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay tiêu dùng có đảm bảo bằng tài sản chiếm 17,5-17,6% trong tổng tín dụng tiêu dùng, còn lại chủ yếu là vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo. “Với đặc điểm dân số, thành phần lao động và mức thu nhập của người dân hiện nay, tín dụng tiêu dùng trong tương lai sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa” - ông Minh khẳng định.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng tiêu dùng hiện vẫn đang ở mức cao, khoảng 5,1%, cao gấp đôi tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng, trong khi sản phẩm còn sơ sài, trình độ tư vấn của nhân viên còn hạn chế, còn để xảy ra nhiều vụ kiện cáo…
Đề cập tới tỷ lệ nợ xấu hơn 5% và mức lãi suất phổ biến ở mức 49% mà các công ty tài chính áp dụng hiện nay là khá cao, Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên có một cách thức nào đó để hạ mức lãi suất này, chẳng hạn như tạo điều kiện để nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng hoạt động nhằm tạo ra sự cạnh tranh, theo đó lãi suất cũng sẽ cạnh tranh và thấp hơn. Ngoài ra, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động của công ty tài chính cũng sẽ minh bạch và an toàn hơn.
Giải pháp nâng cao hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tiêu dùng
Để đảm bảo thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển và duy trì bền vững, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, cần sớm có giải pháp để nâng cao hoạt động quản trị rủi ro tài chính tiêu dùng, đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn. Cụ thể như sau:
Một là, tạo lập và hoàn thiện môi trường pháp lý đảm bảo an toàn tín dụng tiêu dùng. Theo đó, Nhà nước cần ban hành những quy định cụ thể về quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đảm bảo an toàn của hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như sự ổn định của nền kinh tế quốc dân; ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về công tác quản trị rủi ro tín dụng tiêu dùng; thành lập Trung tâm xếp hạng tín nhiệm tiêu dùng (có thể trực thuộc CICB), ban hành quy định xếp hạng tín dụng tiêu dùng.
Hai là, chú trọng, quan tâm đầu tư về cơ chế chính sách, nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin nhằm giảm rủi ro gian lận. Có thể áp dụng hệ thống cảnh báo sớm về gian lận (EFD) nhằm đưa ra cảnh báo sớm, khoanh vùng được các hành vi của các đối tượng xấu từ bên ngoài hoặc có sự cấu kết với một số nhân viên bên trong để trục lợi từ khách hàng và công ty tài chính.
Ba là, thực hiện bảo hiểm tín dụng để bảo vệ tài sản thế chấp, bảo vệ trách nhiệm khách hàng trước rủi ro khó lường trước. Bảo hiểm tín dụng là một hình thức bảo hiểm giúp người vay trả nợ ngân hàng khi họ không may gặp rủi ro không lường trước (tai nạn, bệnh tật) không có khả năng trả nợ, giảm được gánh nặng nợ nần cho người thân hoặc không bị thanh lý tài sản trong trường hợp rủi ro xảy ra.
Bốn là, hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng và công ty tài chính khi tham gia cho vay tiêu dùng, bao gồm: xây dựng chính sách quản trị rủi ro: mô hình tổ chức, khẩu vị rủi ro, thực hiện xây dựng bộ quy định quản trị rủi ro trọng yếu, quy định phê duyệt phát triển sản phẩm mới; xây dựng khung chính sách rủi ro tín dụng tại các cấp phê duyệt tín dụng tiêu dùng; ban hành các chính sách, quy định cho vay và hướng dẫn thực hiện; hoàn thiện mô hình xếp hạng tín dụng, thực hiện thuê kiểm định độc lập để định kỳ đánh giá; tái cấu trúc quy trình cấp tín dụng (bao gồm các quy trình bán hàng, quản lý khoản vay, quản lý tài sản, đánh giá tài sản bất động, quy trình tố tụng và xử lý thu hồi nợ).
Ngoài ra, các tổ chức tài chính và công ty tài chính cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: phần mềm quản lý khoản vay, quản lý tài sản bất động, quản lý thu hồi nợ, phê duyệt xếp hạng tín dụng tự động; kiện toàn tổ chức khối quản trị rủi ro tín dụng trong công ty tài chính theo hướng có các phòng như: Rủi ro tín dụng, Rủi ro thị trường, Rủi ro tích hợp và Trung tâm xử lý thu hồi nợ khó đòi…
TRANG ANH