Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam. Xã hội hiện đại với nhiều đổi thay đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Có phải tết nay buồn hơn tết xưa?”. Tiến sĩ Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học KHXH-NV TPHCM đã cùng chúng tôi trao đổi về vấn đề này.
* PV: Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Nguyên đán là gì, thưa tiến sĩ?
* Tiến sĩ Trần Long: Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền…) Nguyên nghĩa của chữ “tết” chính là “tiết”. Hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa xuân, hạ, thu, đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính. Tết là vào khoảng thời gian giữa đông và xuân, khi trời đất bắt đầu chuyển từ lạnh lẽo tàn lụi sang sinh sôi nảy nở, cái cũ mất đi để cái mới được thay thế, con người phải tươi mới, phấn khởi để hướng đến tương lai. Bắt nguồn từ xã hội nông nghiệp, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng, đến ông bà tổ tiên, đến những loài vật, cây cối, nông cụ đã nuôi sống họ. Như vậy Tết Nguyên đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh...
Gia đình ba thế hệ sum vầy trong ngày tết.
* Như vậy những tập tục trong ngày tết truyền thống gồm những gì?
* Tết là sự khởi đầu của một năm mới. Việc làm mới được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét dọn, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Bàn thờ, chân nến, lư hương được đánh bóng. Người lớn cũng như trẻ nhỏ đều tắm rửa và mặc quần áo mới. Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Người Việt Nam có tục hàng năm mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, mối quan hệ họ hàng làng xóm theo đó được mở rộng ra.
Ngày tết là ngày để tạ ơn đất trời, vạn vật, ông bà tổ tiên. Điều này thể hiện ở việc cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng ấm nóng, bên những sản vật trên mâm cỗ. Từ bữa cơm tối trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui tết với con cháu (cúng gia tiên). Ngày đầu tiên của năm mới có tục hái lộc, xông nhà nhằm hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Sau giao thừa là tục mừng tuổi chúc tết.
Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày “khai nghề”, “làm lấy ngày”.
* Nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay đang đánh mất những giá trị của ngày tết cổ truyền, tiến sĩ nghĩ sao về điều này?
* Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho giới trẻ. Ngày nay, ý nghĩa ngày tết là sự đoàn tụ gia đình, là về quê sum họp, là hội làng với những thú vui truyền thống cũng bắt đầu bị “cạnh tranh” với xu thế đi du lịch tết để xả hơi sau một năm làm lụng, khiến cho không khí tết truyền thống cũng bớt rộn rã. Mọi bước chuẩn bị tết đều được đơn giản hóa để người phụ nữ đỡ vất vả hơn nhưng cũng chính vì vậy mà con trẻ sẽ không còn nhiều ký ức đẹp về tết như bố mẹ khi xưa.
Tuy nhiên, không cần thiết phải có một cái nhìn quá ảm đạm như thế, theo tôi tết Việt sẽ không thể nào mất đi được. Không khí tết truyền thống đều được nhắc nhớ ở các sinh hoạt cộng đồng, ở những khu đô thị lớn vẫn có những người dân vì nhớ quê mà tự tổ chức nấu bánh chưng cùng nhau, người Việt ở nước ngoài vẫn có những cái tết cổ truyền với bánh chưng dưa hành. Điều đó chứng tỏ khi đời sống vật chất được đảm bảo, con người sẽ có xu hướng quay lại với những giá trị tinh thần truyền thống.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, tết Việt không còn là một tài sản của riêng chúng ta, rất nhiều bạn bè quốc tế đến Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán để tận hưởng không khí lễ hội đặc biệt nhất trong năm. Đây còn là hình ảnh về tết Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
PHAN NGỌC (thực hiện)