Tiến thoái lưỡng nan

Cuộc không kích của liên quân phương Tây ở Libya ngày càng tỏ ra bế tắc. Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi “cuộc chơi”, giao lại quyền chỉ huy cho NATO, tình hình có vẻ căng thẳng hơn. Sự rút lui này được cho là làm giảm 80% hỏa lực của liên quân.

Mặc dù các nước khác còn lại 143 máy bay ở Libya nhưng chưa đầy một nửa trong số này có khả năng chiến đấu, phần lớn để bay do thám và bay tầm thấp rất dễ trở thành mục tiêu của hỏa lực từ quân đội của Libya. Không quân Anh lại còn bắn nhầm các tay súng nổi dậy và cả thường dân. Chính vì vậy, theo yêu cầu của NATO, Mỹ cho biết sẽ quay lại Libya thêm ít nhất 24 giờ nữa. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, dù có hay không sự tham gia của Mỹ, chưa chắc liên quân có thể áp đặt vùng cấm bay như mong muốn. Hiện vùng cấm bay này chưa thể vượt ra khỏi 2 thị trấn Benghazi và Tobruk ở phía Đông Libya.

Thông tin phương Tây quá thổi phồng khi cho rằng các cuộc không kích của liên quân làm giảm 80% khả năng chiến đấu của lực lượng ông Gaddafi. Theo trang web Debka.com của Israel, số quân của ông Gaddafi thiệt mạng chưa vượt qua 1.200 người.

Trong lúc này, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Abdelati Obeid đã tới Athens, Hy Lạp mang theo thông điệp rằng Libya cũng muốn kết thúc cuộc không kích. Nhưng có thể đây là cách mà ông Gaddafi muốn thăm dò phương Tây. Thử xem xét các khả năng sắp tới xảy ra tại Libya.

Khả năng thứ nhất là ngừng cuộc không kích của liên quân để các bên thỏa thuận về một chính phủ lâm thời chia sẻ quyền lực, trong đó, có thể một trong những con trai của ông Gaddafi sẽ thay thế ông. Đây sẽ là một kịch bản rút lui đỡ mất mặt nhất cho liên quân. Một số tờ báo Anh cho rằng, con trai của ông Gaddafi, ông Saif al-Islam Gaddafi, người được đào tạo tại Anh sẽ được cha giao quyền lãnh đạo Libya trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền dân chủ. Cho tới nay, ông Gaddafi vẫn chưa tỏ ý chấp nhận trao quyền cho các con, và lực lượng nổi dậy không muốn ông Gaddafi hay bất kỳ người con nào của ông lãnh đạo Libya dù là tạm thời.

Khả năng thứ hai, phương Tây sẽ trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy để đẩy nhanh chiến dịch lật đổ ông Gaddafi. Mỹ, Pháp và Anh đã cử nhiều đoàn tới Benghazi đánh giá khả năng của lực lượng nổi dậy và kết luận rằng khả năng chiến đấu của họ khá tồi. Hơn thế nữa, ngay tại nghị trường trong nước của Anh và Mỹ cũng đang tranh luận gay gắt về khả năng khủng bố trà trộn vào lực lượng nổi dậy, nên việc trang bị vũ khí cho họ khó diễn ra sớm. Chưa kể là hành động này cũng vi phạm nghị quyết của LHQ không cho phép trang bị vũ khí cho bất kỳ bên nào ở Libya mà chỉ bảo vệ thường dân.

Một khả năng khác, theo báo Guardian, Anh sẽ nhân danh “lực lượng nhân đạo” đưa quân tới Libya, chủ yếu là tới các mỏ dầu để đảm bảo cho việc nối lại các dòng dầu khi mà Anh và Pháp dựa nhiều vào nguồn dầu tại Libya. Dù thế nào đi nữa, hành động này sẽ bị thế giới lên án.

Cho dù cuối cùng phương Tây có thể lật đổ ông Gaddafi với giá rất đắt, Libya vẫn sẽ rơi vào bất ổn lâu dài như Afghanistan. Sẽ xảy ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái, thậm chí, các lực lượng khủng bố sẽ lợi dụng bối cảnh chân không quyền lực để cướp vũ khí mở rộng ảnh hưởng. Tổ chức Anh em Hồi giáo, một chi nhánh của Al-Qaeda cho rằng, Libya là lãnh thổ có nhiều triển vọng để họ mở rộng hoạt động. Xem ra, liên quân đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục