Tiến thoái lưỡng nan

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần tràn ngập sắc xanh trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ những quyết định được đưa ra trong cuộc họp định kỳ của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - sẽ diễn ra vào hai ngày 16 và 17-9 tới, cũng như khả năng FED sẽ quyết định lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản.

Tờ Financial Times nhận định các nhà hoạch định chính sách của FED có thể sẽ phải trải qua một cuộc tranh luận gay gắt trong phiên họp sắp tới về thời điểm, cách thức, các bước để nâng lãi suất khi hậu quả có thể vượt xa dự kiến. Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để cân bằng nền kinh tế trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang lao đao vì Trung Quốc suy yếu. Thậm chí đến nay, các nhà hoạch định chính sách của FED cũng chưa đưa ra được những tín hiệu đồng nhất. Dù thị trường lao động Mỹ vẫn đang cải thiện, các quan chức vẫn lo ngại áp lực lạm phát sẽ suy yếu do USD tăng giá và giá hàng hóa lao dốc.

Chủ tịch FED - bà Janet Yellen đã nhiều lần phát tín hiệu FED sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Từ giờ đến cuối năm, FED chỉ còn 3 cuộc họp. Tuy nhiên, giới quan sát hiện đồn đoán FED hoặc sẽ tăng lãi suất vào tuần tới hoặc chờ tới tháng 12. Tuy nhiên, nhiều số liệu trái chiều cả ngoài lẫn trong đang khiến FED gặp khó khăn trong việc ra quyết định có nâng lãi suất hay không. Bên ngoài, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã suy giảm từ 11,9 ngàn tỷ USD xuống còn 11,4 ngàn tỷ USD do chính phủ các nước buộc phải hỗ trợ thị trường trước khả năng Mỹ tăng lãi suất mà Trung Quốc là nước đứng đầu. Riêng trong tháng 8-2015, nước này đã chi 94 tỷ USD, tương đương 2,6%, để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra các nhận định tăng lãi suất có thể làm tổn thương thị trường toàn cầu… Thậm chí cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng cảnh báo FED phải suy trước tính sau thật kỹ lưỡng. Nhà kinh tế hàng đầu của WB, ông K.Basu cho rằng việc nâng lãi suất sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn, nhưng sẽ có tác động cộng hưởng dẫn tới làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi và gây biến động mạnh trên thị trường tiền tệ. Khi đó, USD sẽ càng mạnh lên và chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. 

Ngay tại thị trường Mỹ, các chỉ số trái chiều cũng gây áp lực cho FED. Ở chiều hướng thuận: doanh số bán xe hơi đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đã vượt qua được khủng hoảng bong bóng trước đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp. Chiều ngược lại cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu, tập đoàn đa quốc gia Mỹ đang chịu thiệt hại do giá đồng USD lên cao, nâng lãi suất có thể khiến đồng tiền này lên cao hơn nữa, dù số lượng việc làm mới đã tăng nhưng mức lương tại Mỹ lại không tăng nhiều, tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, khiến chỉ số lạm phát không đạt được như kỳ vọng mà tỷ lệ lạm phát ở mức thấp đang là nguyên nhân chính cản trở quyết định của FED. Hơn nữa, thị trường chứng khoán New York cũng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng do việc nâng lãi suất hút bớt dòng vốn đổ vào chứng khoán.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục