Nhiều năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã can thiệp vào các vấn đề pháp lý và Luật Lao động ở Anh. Tuy nhiên, nước Anh không dễ dàng khuất phục. Các nghị sĩ của cả đảng Bảo thủ và Công đảng đang gây áp lực với Thủ tướng David Cameron về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc nên hay không để Anh rời khỏi EU.
Để cứu giấc mơ châu Âu thống nhất khi đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ, nhiều nhà lãnh đạo ở phía bên kia eo biển Manche chọn cách từ bỏ chủ quyền đối với các ngân hàng của họ, thậm chí cả tổng thống được bầu cũng phải ra đi. Khu vực này ngày càng cảm thấy bước tiến đến hội nhập thêm nặng nề với sự khó chịu đang lan rộng.
Tuy nhiên, Anh đến nay vẫn gần như đứng ngoài cuộc thông qua việc rút tên khỏi một loạt các đề xuất hội nhập. Điều này đã làm xói mòn quan hệ Anh - EU và hình thành nên một châu Âu mà các học giả gọi là “hai tốc độ”.
Cũng giống như Anh, Thụy Sĩ và Na Uy cũng chưa muốn là một phần của châu Âu thống nhất. Tới mức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã mỉa mai với đám đông biểu tình chống châu Âu ở London: “Các bạn có vẻ nhởn nhơ khi khu vực đồng euro đang gặp khó khăn”.
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần 50% người Anh muốn thoát khỏi EU. Ngay cả Thủ tướng Cameron cũng đã muốn mở một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng trước. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron cũng đang hướng dư luận vào cuộc trưng cầu dân ý trên trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2015 và xem đây là con bài chiến lược.
Cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 12-2011 cho thấy uy tín của ông Cameron đã tăng, nhất là sau khi ông từ chối tham gia Hiệp ước mới của EU tại Brussels, theo đó cho phép khối này có nhiều quyền lực hơn với các ngân hàng quốc gia. Kể từ đó, hàng loạt các điều luật của EU dường như làm người Anh bất an hơn. Sự thất vọng của người Anh lên đến đỉnh điểm với đề xuất tăng ngân sách thêm 6,8% cho EC ngay cả khi Anh và các quốc gia khác đang gồng mình thắt lưng buộc bụng.
Với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng gần đây, người Anh đã đổ lỗi cho làn sóng nhập cư từ các quốc gia EU như Ba Lan và Tây Ban Nha vì theo điều ước khối, công dân các nước này có quyền làm việc tương tự như công dân Anh. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Liam Fox cho rằng quyền lợi của các nước thành viên EU khác đã vượt quá mức so với thâm hụt thương mại của Anh với các nước còn lại của khối đang ở mức 200 tỷ USD.
Ông Fox và nhiều nhà lập pháp cho rằng cuộc trưng cầu dân ý không nên chỉ đơn giản với 2 lựa chọn là “có” hoặc “không” mà phải thêm vào câu hỏi: Liệu Anh có nên đàm phán lại với Brussels để giành lại một số quyền hạn.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cũng nói rằng việc rời khỏi EU hay đàm phán lại quyền thành viên sẽ có hại cho cả Anh và châu Âu. Tiếng nói của London có nguy cơ bị yếu đi trong các vấn đề của thế giới, điều sẽ không xảy ra thông qua Brussels.
Ví dụ như thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, một mình nước Anh sẽ không bao giờ có thể đàm phán. Ngoài ra, nước Anh có nguy cơ mất hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Mỹ, châu Âu và các công ty châu Á, điều mà nước Anh đã và đang có được kể từ khi tham gia EU.
Chưa kể nếu rời nhóm, Anh sẽ không được tham gia Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ. Giám đốc Cơ quan chiến lược Chatham House, ông Robin Niblett, nhận định thật sự Chính phủ Anh phải tính toán thật kỹ các bước đi tiếp theo nếu muốn rời EU.
Thanh Hải