° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, gồm: 1- Mức lương ghi trong hợp đồng lao động; 2- Phụ cấp lương (phụ cấp chức vụ, chức danh); phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. 3- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Thông tư số 47/2015 của Bộ LĐTB-XH có quy định về các khoản không tính làm căn cứ đóng BHXH. Cụ thể: 1- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động. 2- Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác...
° Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1-7-2018, có thời gian làm việc từ năm 2003 thì có được tính trợ cấp thôi việc cho giai đoạn 2003-2008 không? Với người đã từng làm việc trong đơn vị nhà nước (từ năm 1992-1998), khi nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thôi việc không? (Công ty TNHH Điện tử viễn thông Hải Đăng, quận 10, TPHCM)
° Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của bộ luật này, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
° Doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình hoặc BHYT do các công ty bảo hiểm cung cấp để thay thế cho BHYT bắt buộc được không? Hoặc, doanh nghiệp có thể thanh toán cho người lao động khoản tiền BHYT tương ứng để người lao động tham gia BHYT hộ gia đình được không? Nếu người lao động đã tham gia BHYT, BHXH tự nguyện thì có được miễn đóng BHYT, BHXH bắt buộc khi làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp không? (Công ty TNHH Ingreetech, quận Bình Tân, TPHCM)
° Trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc mà doanh nghiệp thỏa thuận để không tham gia là trái với quy định của pháp luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của luật này.
Về việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình rồi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, theo Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện rồi chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó. Số tiền được hoàn trả bằng số tiền đã đóng tương ứng và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).
Theo quy định, người lao động phải đóng BHXH, BHYT bắt buộc theo đơn vị đang công tác. Sau khi đăng ký tham gia BHYT, BHXH bắt buộc, người lao động đến đại lý thu UBND phường hoặc đại lý thu bưu điện nơi đăng ký mua thẻ BHYT hộ gia đình; BHXH tự nguyện để được hoàn trả lại tiền đóng trùng (nếu có).
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, |